Man City đang thống trị tuyệt đối bóng đá Anh theo cái cách chưa từng đế chế nào trong quá khứ đạt được. Họ như bóng ma, luôn hiện hữu và ám ảnh mọi đối thủ…
284 ngày đứng trên đỉnh bảng xếp hạng không đủ để đưa Arsenal đến chức vô địch Ngoại hạng Anh sau gần 20 năm chờ đợi. Đội bóng kiệt quệ cả về tinh thần lẫn thể chất sau một mùa giải nỗ lực hết sức của HLV Mikel Arteta một lần nữa vấp ngã và họ lần này gục ngã hoàn toàn khi để cho Nottingham Forest đánh bại.
Man City đăng quang lần thứ ba liên tiếp trước cả cuộc tiếp đón Chelsea trên sân Etihad.
Ở trận đấu chỉ còn mang tính thủ tục này, Man City vẫn thể hiện sự áp đảo dẫu cho chỉ tung ra sân đội hình hai. HLV Pep Guardiola thực hiện 9 sự thay đổi trong đội hình xuất phát, đẩy trị giá băng ghế dự bị của The Citizens lên tới 600 triệu euro.
Dù vậy, những cầu thủ chuyên dự bị hay thậm chí hiếm khi được vào sân như Julian Alvarez, Sergio Gomez, Cole Palmer, Kalvin Phillips vẫn đủ sức để buổi lễ đăng quang của Man Xanh trở nên trọn vẹn bằng chiến thắng 1-0 trước Chelsea.
Trong quá khứ, chỉ có 4 đội bóng trong lịch sử từng vô địch bóng đá Anh 3 lần liên tiếp: Huddersfield Town thập niên 1920, Arsenal thập niên 1930, Liverpool thập niên 1980 và Man Utd 2 lần ở cuối thế kỷ trước và đầu thế kỷ này.
Thành tựu đáng kinh ngạc bậc nhất lịch sử bóng đá xứ sở sương mù ấy chỉ có hai vị chiến lược gia vĩ đại chia sẻ: Herbert Chapman (cùng Huddersfield, Arsenal) và Alex Ferguson (Liverpool đã thay HLV giữa chừng). Vì thế, có thể ví thầy trò Pep Guardiola đã bước qua cánh cổng cuối cùng của sự vĩ đại trong lịch sử giải vô địch quốc gia Anh/Premier League.
Không chỉ là 3 chức vô địch liên tiếp, trong 6 năm dưới sự dẫn dắt của HLV Guardiola, Man City thống trị bằng 5 lần đăng quang Premier League. The Citizens chinh phục mọi kỷ lục, khắc sâu tên mình lên đầu bảng xếp hạng hầu hết mọi thống kê ở giải vô địch quốc gia (VĐQG) khốc liệt nhất hành tinh.
Họ giành điểm số cao nhất lịch sử Ngoại hạng Anh; đạt hiệu suất bàn thắng bại vượt trội, lập kỷ lục về số trận thắng liên tiếp, đồng thời tạo ra những trận thắng có cách biệt lớn nhất.
Tại đấu trường quốc nội, thầy trò Guardiola chạm đến quyền lực tối cao. Sức mạnh của Man City khiến mọi đối thủ khiếp đảm và có lẽ tất cả đang quay cuồng trong cơn ám ảnh The Citizens sẽ trở thành đội bóng đầu tiên vô địch Premier League 4 lần liên tiếp.
Dường như thử thách đủ để ngăn chặn cỗ máy Man Xanh hiện tại chỉ có trong tưởng tượng, chẳng hạn thi đấu ở môi trường không trọng lực, hoặc chỉ sử dụng các cầu thủ chân trái, hoặc ra sân với đội hình toàn cầu thủ bản địa.
Sự thống trị của Huddersfield hay Arsenal ở nửa đầu thế kỷ trước quá xa xôi để so sánh nhưng những năm tháng hoàng kim của Liverpool và Man Utd xảy đến theo những cách khác nhau, ở hai thời đại khác nhau.
Ở thập niên 1970 và 1980, không thể phủ nhận Liverpool là đội bóng giàu có nhất đảo quốc sương mù nhưng chênh lệch giàu nghèo không lớn, chênh lệch trình độ giữa các đội bóng cũng không xa.
Ở thời kỳ kinh tế bóng đá chưa cất cánh bằng những chuyển du đấu, hợp đồng quảng cáo hay bản quyền truyền hình, ưu thế lớn nhất của Liverpool là đội bóng này đại diện cho thành phố lớn, nơi người hâm mộ đam mê bóng đá cuồng nhiệt và là cái nôi sản sinh nhiều cầu thủ tài danh.
Nói cách khác, nguồn lực văn hóa và kinh tế bản địa ảnh hưởng lớn đến thế cục bóng đá Anh. Từ năm 1977 đến 1991, Liverpool chỉ 2 lần ghi danh vào kỷ lục chuyển nhượng bóng đá Anh, nhưng trong vai trò bán cầu thủ cho đội bóng khác: Kevin Keegan đến Hamburg và Ian Rush gia nhập Juventus.
Cho đến tận năm 1987, Liverpool vẫn chưa vượt mốc chi 1 triệu bảng để chiêu mộ một tân binh, con số các đội bóng "thấp cổ bé họng" hơn như West Brom, Wolves, Nottingham Forest đều vượt qua.
Tính ưu việt ở Man Utd thời đại Alex Ferguson mang hơi hướng hiện đại và dễ nhận biết hơn. Thành công của Quỷ đỏ được xây dựng dựa trên sức mạnh thương mại của đội bóng sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo nhất hành tinh. Tuy nhiên, có một thuật ngữ đã đi vào từ điển và rất đáng để phân tích ở đây là Fergie Time, với ý nghĩa các trọng tài thường ưu ái cho Man Utd nhiều thời gian bù giờ hơn cần thiết để thực hiện những cú ngược dòng.
Tất nhiên, một nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật. Lý do Man Utd lừng danh bởi những bàn thắng muộn là vì khí chất và khả năng vượt qua nghịch cảnh của đội bóng vô cùng tài năng dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân vĩ đại như Sir Alex Ferguson.
Trong thời đại Man Utd thống trị, các cổ động viên (CĐV) đối địch có thể tự huyễn rằng tất cả chỉ do may mắn và rằng chỉ cần trận đấu diễn ra công bằng, Quỷ đỏ sẽ gặp báo ứng.
Không thể áp đặt suy nghĩ tương tự với Man City. Mọi kỷ lục, sự áp đảo và thống trị của Man City đều tuyệt đối. Cảm giác dường như không thể cưỡng lại. Thầy trò Pep Guardiola không chỉ nâng cao tiêu chuẩn để trở thành nhà vô địch mà còn định nghĩa lại công thức thành công.
Phản kháng lại sự thống trị của Man City không phải là hận thù truyền kiếp như những gì xảy ra giữa Liverpool và Man Utd. Lối chơi Guardiola tạo dựng cho Man City nhận được nhiều lời ca tụng. Vẻ đẹp trong lối chơi, sáng tạo trong ý tưởng của nhà cầm quân người Catalonia thu hút sự kính ngưỡng từ giới quan sát đến cả người hâm mộ đối phương.
Dù vậy, bản chất thành công của Man City lại mang hơi hướng lạnh lùng và tàn nhẫn. Từ cách thức phát triển chiến lược đến lối chơi của Man Xanh đều mang hình ảnh của một bóng ma. Rất khó cưỡng, rất đáng sợ và lẽ tất yếu là rất khó để yêu thầy trò Pep Guardiola.
Ưu thế của Man City không hẳn là đội bóng này chi nhiều tiền hơn các đội bóng khác, mặc dù rất ít đội bóng đủ tiềm lực tài chính để chiêu mộ lực lượng như HLV Guardiola đang có trong tay, hoặc giữ chân vị chiến lược gia tài ba người Catalonia trong quãng thời gian lâu như vậy.
Man Utd đã phung phí hàng trăm triệu bảng trên thị trường chuyển nhượng. Tương tự là Chelsea. Liverpool cũng chi số tiền tương đương Man City cho đội hình của HLV Jurgen Klopp.
Yếu tố then chốt nằm ở tính nhất quán. Man City hiếm khi, đúng hơn là chưa bao giờ, buộc phải bán cầu thủ nào nếu họ chưa muốn. Đó chính là sự khác biệt giữa Man City và mọi đội bóng khác tại Anh. Nhiều CLB lên kế hoạch nhưng chỉ có kế hoạch của Man City không chịu sự chi phối tùy tiện.
Tất cả được vận hành trơn tru và thông suốt từ trên xuống dưới trong nhiều năm như một cỗ máy. Ngoài chức vô địch Premier League, đội U21 và U18 Man City cũng vô địch giải trẻ tương đương tại Anh.
Man City tạo cảm giác đội bóng này không ganh đua với bất cứ đối thủ cụ thể nào. The Citizens không có đại kình địch hay đối thủ truyền kiếp. Thầy trò Pep Guardiola đơn giản luôn hiện hữu ở đỉnh cao nhất, dù Liverpool hay Arsenal đều phải nỗ lực hết sức để giữ chặt vị trí vốn dĩ không phải của họ.
Man City là nỗi ám ảnh đối thủ như một bóng ma, để rồi đến ngày đối thủ kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần và buông bỏ. Liverpool từng giành 98 điểm nhưng vẫn về nhì. Arsenal dẫn đầu trên bảng xếp hạng gần như trọn cả mùa giải này rồi gục ngã. Cách thống trị như vậy của Man City mới thật đáng sợ.
Mọi ngôn từ đều trở nên cũ kỹ và chật hẹp để ca ngợi sự vĩ đại của Pep Guardiola. Ông thành công trên cả ba môi trường bóng đá đỉnh cao và khác biệt. Đó là Tây Ban Nha, Đức và Anh.
Tại đảo quốc sương mù, nơi vẫn tự hào sở hữu giải VĐQG cân bằng và khốc liệt nhất, vị chiến lược gia người Catalonia không chỉ thiết lập đế chế thống trị, ông còn là nhà cách mạng trong việc nâng cao tiêu chuẩn nhà vô địch và đổi mới tư duy chiến thuật. Trong 10 năm qua, số đường chuyền tại Premier League tăng đột biến, chứng tỏ mọi đội bóng đều chú trọng vào khâu kiểm soát hơn.
Sự xuất sắc của nhà cầm quân này còn nằm ở chỗ mọi cầu thủ đều trưởng thành vượt bậc so với thời điểm họ vừa mới đặt chân đến Etihad thay vì chỉ là sản phẩm tiền bạc không hơn không kém. Liệu John Stones có trở nên tài ba như vậy nếu cầu thủ này chuyển từ Everton sang Man Utd thay vì Man City?
Có lẽ, ở vũ trụ song song nào đó, Stones đang bị nhiếc móc và cợt nhả ở Old Trafford thay vì Harry Maguire ở vũ trụ này và ngược lại.
Hoặc như Jack Grealish chẳng hạn. Cầu thủ này có trị giá 100 triệu bảng, cho thấy sức mạnh tài chính của Man City, nhưng cách Guardiola đang sử dụng cựu cầu thủ Aston Villa không ai hình dung được từ trước.
Có bao nhiêu nhà cầm quân có thể nhồi nhét nửa tá tiền vệ sáng tạo vào trong một đội hình như Pep? Các ông lớn còn lại của châu Âu ở đâu khi Man City theo đuổi Rodri và Ruben Dias? Tại sao không ai chiêu mộ Manuel Akanji khi hậu vệ này chỉ có giá 15 triệu bảng?
Rất nhiều đội bóng tỏ ra dè chừng khi tiếp cận Gundogan bởi tiểu sử chấn thương của tiền vệ người Đức. Tương tự, Man City chi ra 55 triệu bảng cho Wolfsburg để chiêu mộ Kevin De Bruyne sau khi Chelsea khước từ quyền tái ký hợp đồng với ngôi sao người Bỉ.
Thật nông cạn với lập luận Man City thành công nhờ giàu có và chiêu mộ được nhiều ngôi sao theo ý muốn. Thực tế chỉ có đến Etihad và dưới sự dẫn dắt của Pep Guardiola, trình độ của những ngôi sao này mới được nâng cao đến như vậy. Lụn bại tại Chelsea, Raheem Sterling hẳn rất nhớ ông thầy Catalonia, người đã cho anh 7 năm thăng hoa tại Etihad.
Suốt triều đại Guardiola, Man City cũng đâu chỉ chia tay mỗi Sterling. Rất nhiều trụ cột đã chia tay Etihad, từ trung vệ Vincent Kompany, tiền vệ mỏ neo Fernandinho, tiền vệ sáng tạo David Silva cho đến trung phong Sergio Aguero. Mọi sự ra đi đều được vị Pep khỏa lấp khéo léo và tài tình.
Thậm chí, Haaland và De Bruyne, hai cầu thủ tiệm cận vị thế ngôi sao nhất tại Man City cũng không hẳn không thể thay thế. Tất nhiên Haaland đã có mùa giải bùng nổ với 36 bàn tại Premier League, nhưng Man City đăng quang với điểm số tương đương mùa trước, mùa giải trung phong số một của Man Xanh là Gabriel Jesus chỉ có 8 bàn.
Trong khi đó ở mùa giải 2018-19, De Bruyne vắng mặt trong phần lớn mùa giải và chỉ đá chính 11 trận, Man City đăng quang với 98 điểm, điểm số cao thứ hai lịch sử.
Man City ở mùa giải 2022/23 rất khác Man City ở những mùa trước. Sự xuất hiện của Erling Haaland cũng như sự ra đi của Raheem Sterling, Gabriel Jesus, Oleksandr Zinchenko và Joao Cancelo khiến cấu trúc đội bóng trở nên đơn giản hơn. Pep Guardiola không điều binh di chuyển cầu kỳ theo kiểu sử dụng hậu vệ cánh di chuyển nghịch chân vào trung lộ hay "số 9 ảo" lùi xuống tuyến giữa để tăng cường khả năng kiểm soát bóng.
Vị chiến lược gia người Tây Ban Nha cố định Haaland trong vòng cấm, giao cánh trái hoàn toàn cho Jack Grealish, cánh phải luân phiên sử dụng Riyad Mahrez và Bernardo Silva. Các chuyển động trong cấu trúc đội hình này trở nên đơn giản hơn, xoay quanh hai sơ đồ 3-2-2-3 khi có bóng và 4-4-2 khi không bóng.
Chuyển động đáng kể nhất khi chuyển trạng thái giữa hai sơ đồ này là John Stones từ vị trí tiền vệ mỏ neo lùi xuống vị trí trung vệ. Nhờ vậy hàng phòng ngự trở nên chắc chắn hơn. Không ai phải di chuyển quá xa khi cầm bóng nên nhanh chóng trở về vị trí cầm đảm bảo khi mất bóng.
Trên mặt trận tấn công, trước đây, các đợt lên bóng của Man City đều được kiến trúc sư Pep Guardiola tỉ mỉ thiết kế, tạo nên những tuyệt tác ảo thuật vô cùng lộng lẫy. Các tiền vệ và tiền đạo lao theo nhiều hướng, chuyền bóng hoặc bứt tốc ra sau hàng phòng ngự đối phương.
Man City nhẫn nại xoay vòng các phương án phối hợp tấn công như cái cách người ta lần lượt thử các chìa trong chùm chìa khóa để tìm cách mở khóa hàng phòng ngự đối phương.
Mùa này Man City không tạo ra những màn dàn xếp di chuyển phức hợp như vậy. Đúng hơn, Man City không cần làm như vậy. Thay vì khiến đối phương bối rối bởi màn chuyển động như ảo thuật, Man City nghiền nát đối phương bằng đẳng cấp vượt trội. Đó là đẳng cấp của Jack Grealish ở các pha rê bóng.
Đẳng cấp của De Bruyne trong những đường kiến tạo. Và là đẳng cấp của Haaland ở khâu săn bàn. Chỉ cần sự hiện diện của bộ ba này, đôi khi họ cũng vật vờ như bóng ma, cũng khiến mọi hàng thủ rối loạn.
Và trên hết, chính Guardiola cũng là một bóng ma đối với các học trò. Ông quá sành sỏi các học trò và công thức để giành chiến thắng. Một đội bóng thiếu bản lĩnh, sự gan dạ, niềm đam mê và đặc biệt là khao khát vô địch sẽ không thể đăng quang.
Bởi vậy, hồi tháng Giêng, Guardiola từng bước vào phòng họp báo với vẻ mặt căng thẳng và phẫn nộ dù các học trò vừa ngược dòng hạ Tottenham. Ông cảm thấy tức giận vì màn trình diễn của Man City và không ngần ngại buông lời cay nghiệt để chỉ trích các học trò.
Vị chiến lược gia người Catalonia ví von đầy hình ảnh rằng Man City đang trở thành một "happy flowers team" - đội bóng hạnh phúc như những bông hoa. Lập luận ông đưa ra là các cầu thủ và thậm chí cả người hâm mộ đang rơi vào vùng thỏa mãn và trở nên thoải mái.
Các cầu thủ không bảo vệ và chiến đấu vì nhau trên sân. Guardiola hết sức thất vọng vì "cậu bé" Rico Lewis đơn độc đối phó với Pierre-Emile Hojbjerg to lớn gấp đôi. Ngay cả Haaland cũng bị Pep mắng nhiếc vì lười chạy chỗ để tạo ra khoảng trống.
"Thiếu năng lượng, thiếu khát khao", Guardiola vừa chỉ vào các học trò vừa nói. "Chúng ta ngược dòng sau khi bị dẫn 2-0 chỉ vì chúng ta đang thua. Chẳng có gì khác. Chúng ta đã đăng quang 4 lần trong 5 năm và bây giờ tôi chỉ thấy khát khao từ Arsenal.
Nếu cứ thi đấu như thế này, Arsenal sẽ hủy diệt chúng ta. Nếu chúng ta không thay đổi, chúng ta sẽ chẳng giành được danh hiệu nào cả. Tôi không còn nhận ra đội bóng của tôi. Tôi muốn gặp lại đội bóng của tôi!".
4 tháng sau, Man City đánh bại Arsenal trong cả màn đụng độ trực tiếp và cuộc đua đến chức vô địch Premier League bằng mạch 12 trận toàn thắng để đăng quang. Và nhà cầm quân người Catalonia mỉm cười đầy ẩn ý trong buổi họp báo sau trận thắng Chelsea: "Việc của tôi là tăng tính hiếu chiến cho các cầu thủ".
Johan Cruyff, người thầy vĩ đại của Pep Guardiola từng nói: "Bóng đá là trò chơi đơn giản, nhưng để chơi bóng đơn giản mới là điều phức tạp nhất". Xếp một đội hình đơn giản, tạo động lực cho các học trò, Guardiola đang tiệm cận tới đẳng cấp thượng thừa ấy cùng Man City.
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Patrick Nguyễn
26/05/2023