Mâm ngũ quả ngày Tết 3 miền có gì khác nhau?

Khánh Phương| 31/01/2022 18:12

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, bên cạnh bánh chưng, hoa đào thì mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu trên bàn thờ mỗi gia đình người Việt. Tùy theo đặc điểm, phong tục tập quán, mỗi miền lại có cách bày trí khác nhau.

Mâm ngũ quả ngày Tết 3 miền có gì khác nhau?

Ý nghĩa mâm ngũ quả

Theo quan niệm của ông cha ta, mâm ngũ quả ngày Tết gồm 5 loại quả với 5 màu sắc nhau khác là sự tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc. Âm hưởng của ngũ phúc bao gồm: Giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên (đại diện cho Ngũ hành, đồng thời đại diện cho Ngũ Phúc Lâm Môn: Phú - Quý -Thọ - Khang – Ninh)

Theo phong tục truyền thống của người Việt Nam, trên bàn thờ của mọi gia đình đều bày mâm ngũ quả cúng ông bà tổ tiên. Dù giàu hay nghèo, dù cầu kỳ hay đơn giản nhưng hầu hết, mỗi gia đình đều có mâm ngũ quả bởi không ai là không mong cầu mong một năm may mắn, bình an trong dịp Tết đến xuân về.

Hiện nay, các loại trái cây khá đa dạng và người ta cũng không quá cứng nhắc "ngũ quả" nữa nên có thể tăng lên thành bát, cửu, thập quả... Nhưng dù bày biện bao nhiêu loại quả thì người ta vẫn gọi đó là mâm ngũ quả.

Nếu như gia đình khá giả, mâm ngũ quả có thể bao gồm nhiều loại qua hỏa đắt tiền, nhập ngoại thậm chí lên tới hàng chục triệu đồng. Thế nhưng, nếu đơn giản, gia đình cũng có thể bày trí đầy đủ 5 loại quả khiêm tốn chẳng tốn kém gì. Thậm chí chỉ cần vài chục nghìn cũng có đủ loại cần cho một mâm ngũ quả màu sắc không kém phần đẹp mắt.

Mâm ngũ quả 3 miền

Gọi là mâm ngũ quả nhưng trong văn hóa ở mỗi miền Bắc, Trung, Nam lại có những loại quả và cách bài trí khác nhau. Mỗi loại quả đều có ý nghĩa riêng, tùy theo quan niệm mỗi vùng miền, thậm chí từng gia đình cũng có những ý kiến khác nhau. Không có đúng, không có sai, chỉ là tựa chung ý nghĩa để gửi gắm ước nguyện của gia chủ mà thôi.

Tuy nhiên, phần lớn mỗi vùng miền với các loại trái cây và nét văn hóa đặc trưng riêng nên họ lựa chọn các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả như sau:

Mâm ngũ quả miền Bắc có gì?

Gia chủ sinh ra và lớn lên ở miền Bắc bày mâm ngũ quả theo thuyết ngũ hành trong văn hóa phương Đông: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Chính vì thế, mâm ngũ quả phải phối theo 5 màu tương ứng: Trắng, xanh, đen, đỏ, vàng.

Ngày xưa, họ kén chọn mâm ngũ quả ở miền Bắc có 5 loại quả gồm: chuối, bưởi, đào, quýt, hồng. Người miền Bắc khá kỹ lưỡng trong kén chọn mâm ngũ quả. Tuy nhiên, ngày nay họ không quá quan trọng nhiều hay ít, gia chủ ngày nay thường sắm đủ các loại quả thuận theo ý nghĩa và sắp xếp, bài trí chúng xen kẻ với nhau để đẹp mắt là được.

Đặc trưng mâm ngũ quả miền Bắc (hình minh họa).

Cách bài trí mâm ngủ quả truyền thống của người miền Bắc bao giờ cũng có nải chuối tiêu xanh ở dưới cùng. Nải chuối ấy là chân đỡ cho toàn bộ các loại quả khác.

Hình dáng nải chuối cong nhẹ ôm lấy các loại trái cây khác mang theo ý nghĩa đùm bọc, sum vầy hạnh phúc. Hơn nữa 1 nải chuối sẽ bao gồm nhiều quả chuối cũng thể hiện sự sinh sôi, con cháu đầy đàn. Chính giữa là quả bưởi, xung quanh là những loại quả khác được bày xen kẽ như quýt, hồng…

Quả phật thủ được người miền Bắc rất ưa chuộng. Một phần vì hình dáng ý nghĩa nhưng một phần cũng là do loại quả này tươi lâu và tỏa mùi hương đặc biệt.

Mâm ngũ quả miền Trung có gì?

Miền Trung là vùng có khí hậu khắc nghiệt, nơi đây thường xuyên phải gánh chịu bão lũ, hạn hán, cộng với việc đất đai cằn cỗi nên ít cây trái. Với những lo toan thường trực, người miền Trung vì vậy mà không bị chi phối bởi hình thức của mâm ngũ quả.

Tuy nhiên, về ý nghĩa mâm ngũ quả bày trong ngày Tết của người miền Trung cũng rất được quan tâm. Họ cũng thành kính dâng lên ban thờ mâm ngũ quả trong khả năng của mình.

Các loại quả thường có trong mâm ngũ quả miền Trung là: Thanh long, chuối, dứa, dừa, mãng cầu, cam, dưa hấu... Họ thậm chí đơn giản trong vườn nhà có gì cũng đều mang lên dâng mâm ngũ quả.

Có những năm mất mùa trầm trọng, thiệt hại nặng nề do bão lũ, người dân miền Trung thậm chí ngắt hoa trong vườn nhà thay vì mâm ngũ quả. Lúc này, sắc màu của hoa cũng không kém phần thi vị bởi tâm hồn người miền Trung vẫn nặng lòng thành kính.

Ý nghĩa một số loại quả trong mâm ngũ quả ngày Tết của miền Trung bao gồm: Quả lê mang ngụ ý về một năm mới suôn sẻ, làm việc gì cũng được thuận lợi và dễ dàng; Quả đu đủ tượng trưng cho sự thịnh vượng cho gia chủ; Quả dưa hấu thể hiện cho sự tròn đầy, hứa hẹn một năm mới đầy may mắn, ngọt ngào; Quả đào thể hiện cho sự bền vững và thăng tiến; Quả thanh long biểu tượng cho sự phát lộc, phát tài.

Mâm ngũ quả miền Nam có gì?

Khác với miền trung, mầm ngũ quả trong miền Nam khá phong phú, người dân nơi đây thường chọn 5 loại quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài để bày mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả của người miền Nam thậm chí luôn có thêm chân đế là 3 quả dứa (trái thơm) thể hiện sự vững vàng, mong muốn con cháu đầy nhà.

Phần lớn tại bàn thờ ở các gia đình thường bày thêm cặp dưa hấu xanh vỏ, đỏ lòng tượng trưng cho lòng trung nghĩa của người con đất phương Nam.

Cách bày trí mâm ngũ quả của người miền Nam cũng òi hỏi sự hài hòa, cân đối. Họ thường bày những loại quả to, nặng và xanh ở dưới, còn những loại quả nhỏ, chín thì bày lên trên. Đặc biệt, cần bày trí mâm ngũ quả sao cho giống với ngọn tháp. Với cặp dưa hấu, họ thường sẽ bày riêng và bày ở 2 bên của mâm ngũ quả.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mâm ngũ quả ngày Tết 3 miền có gì khác nhau?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO