Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhịp độ trên công trường ga ngầm S12 (ga cuối của tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội) được đẩy lên cao. Trong sương mù nồm ẩm, mặt đất dấp dính, hơn 60 công nhân và kỹ sư vẫn duy trì nhịp làm việc.
Sáng nay 2/2 (nhằm ngày 23 tháng Chạp), anh Lê Quang Phan, Chỉ huy phó của nhà thầu Lanmak, đã biện một mâm lễ để cúng thổ công. Anh giải thích mình chỉ cúng "ông Công" mà không cúng "ông Táo" vì tại công trường không có bếp, không nấu nướng nên không có 3 vợ chồng Táo quân chứng giám.
Cũng vì không cúng "ông Táo" nên lễ hóa vàng chỉ có tiền vàng mã, tranh ngựa. Các công nhân cũng không thả cá chép.
Chị Lê Thị Nhị, công nhân người Mường tại Thanh Hóa, kể chuyện "cả làng" lên Hà Nội làm công nhân. Vợ chồng chị cũng không về được nhà vào ngày cúng ông Công, ông Táo. Việc lễ nghi, cúng bái đều phải nhờ bố mẹ chồng lo.
Ga ngầm S12 (đối diện Ga Hà Nội) là nhà ga có tiến độ hoàn thành chậm nhất trong số 12 nhà ga của dự án. Đến nay, đơn vị thi công mới đang hạ đặt tường vây và chuẩn bị đổ bê tông bản đỉnh (dưới bản đỉnh còn có bản trung chuyển và bản đáy). Đây cũng là điểm công trường duy nhất dự kiến làm xuyên Tết.
Trao đổi với phóng viên, đại diện một nhà thầu cho biết đã kêu gọi công nhân ở lại làm việc cả ngày nghỉ lễ với mức thù lao cộng thêm 5 triệu đồng/người/ngày (chưa tính lương thường nhật). Các công nhân có thể sẽ làm đến sáng 30 Tết và bắt xe về quê để kịp đón giao thừa.
Trong khi đó, tại ga ngầm S11 (Quốc Tử Giám), nhà thầu cũng đã hoàn thành việc đào khoét đất ở tầng trung chuyển và đang dựng cốt thép để đổ bê tông.
Ông Nguyễn Đình Việt, Quản lý thi công của nhà thầu Hyundai - Ghella, cho biết ga ngầm S10 (Cát Linh) sẽ xây xong tầng đáy vào tháng 5 và ga ngầm S11 (Quốc Tử Giám) vào cuối tháng 8. Việc thi công xong tầng đáy của các nhà ga là điều kiện bắt buộc để bắt đầu vận hành máy khoan TBM từ ga ngầm S9 (Kim Mã).
Hiện trạng ga ngầm S10 trên phố Cát Linh. Bên dưới các tầng ngầm, công nhân cũng đang tập trung hoàn thiện bản đáy trước ngày vận hành máy khoan ngầm TBM.