Malaysia quyết 'không nhượng bộ' nếu có đe dọa tại Biển Đông

Hồng Phúc| 04/10/2021 13:01

Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Ismail Sabri Yaakob một lần nữa nhấn mạnh lập trường "không bao giờ nhượng bộ về chủ quyền”.

Malaysia quyết 'không nhượng bộ' nếu có đe dọa tại Biển Đông
Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Ismail Sabri Yaakob. (Nguồn: Bernama)

Thủ tướng Datuk Seri Ismail Sabri Yaakob tuyên bố, Malaysia sẽ không nhượng bộ với bất kỳ quốc gia nào nếu có mối đe dọa tại Biển Đông.

Theo hãng Bernama, khi chia sẻ trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình trong nước phát tối 3/10, Thủ tướng Malaysia cho biết ông đã nhiều lần nhấn mạnh vấn đề này tại các hội nghị trong nước cũng như các diễn đàn quốc tế khi còn đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Quốc phòng.

Vị thủ tướng thứ 9 của Malaysia khẳng định: “Chúng tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ về chủ quyền”.

Liên quan đến Biển Đông, theo tờ Phnom Penh Post, phát biểu trong cuộc gặp Đại sứ Australia tại Campuchia Pablo Kang ngày 1/10, Phó Thủ tướng Campuchia Hor Namhong cho biết Biển Đông cần là "vùng biển hòa bình và an ninh", được đảm bảo tự do đi lại trên biển và trên không.

Nhà lãnh đạo Campuchia hy vọng ASEAN và Trung Quốc sẽ sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm ngăn chặn gia tăng tranh chấp.

Trước đó, ngày 30/9, trên tài khoản Twitter riêng, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Loksin nêu rõ, Bộ Ngoại giao nước này “phản đối những trở ngại không ngừng và bất hợp pháp mà Trung Quốc đang đặt ra đối với ngư dân Philippines đánh bắt hợp pháp ở khu vực bãi cạn Scarborough".

Bộ Ngoại giao Philippines cũng phản đối Bắc Kinh về việc "các tàu cá Trung Quốc tiếp tục hiện diện gần rạn san hô Iroquois" hay việc Trung Quốc can thiệp làm nhiễu sóng vô tuyến của lực lượng tuần tra hàng hải Philippines trong khu vực.

Căng thẳng ở Biển Đông vẫn tiếp diễn trong nhiều năm do yêu sách của một số nước trong khu vực đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ngoài vị trí chiến lược nằm ở ngã tư của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa còn được các chuyên gia đánh giá là nơi tập trung trữ lượng dầu mỏ và khoáng sản lớn.

Tại các hội nghị, họp báo quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn thể hiện rõ lập trường của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, nhiều lần tái khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập phù hợp với UNCLOS năm 1982.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Malaysia quyết 'không nhượng bộ' nếu có đe dọa tại Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO