Ngày 31/1, nhằm 29 Tết, các tuyến đường trung tâm TP Pleiku, Gia Lai từ các đường Nguyễn Văn Cừ, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Duẩn đến đường Hai Bà Trưng… được nhuộm vàng bởi những nhánh mai rừng.
Những cành mai rừng bày bán ở phố núi được bà con đồng bào thiểu số tại các xã Ia Kênh (TP Pleiku), Ia Dêr (huyện Ia Grai), Kon Gang (huyện Đak Đoa) vượt hàng chục cây số vào rừng thu hoạch mang về phố bán.
Anh Rơ Mah Đáp (làng Blang 1, xã Ia Dêr), người đã hơn 5 năm vào rừng tìm mai về bán vào dịp Tết, bộc bạch: "Mai rừng giờ hiếm lắm, tôi phải đi vào tận rừng sâu để chọn những cây mai ưng ý rồi cẩn thận đưa ra khỏi rừng để tránh rụng hoa. Hơn 3 ngày vào rừng, tôi chỉ tìm được 5 cành mai mà đã bán được 2 cành với giá 500.000 đồng/cành".
Tương tự, anh Puih Blêl (làng Thông Jố, xã Ia Kênh, TP Pleiku, Gia Lai) từ nhiều năm nay đã vào rừng và kiếm mai rừng rồi về trồng tại nhà. Đến nay, trong khu vườn rộng khoảng một hecta của anh Blêl đã trồng xen khoảng 700 cây mai rừng với cây cà phê. Trong vườn này có sẵn mấy cây mai rừng từ xưa. Sau này gia đình anh cứ nhân rộng thêm.
"Mỗi mùa xuân về, gia đình tôi lại chặt cành hoặc đào những gốc mai rừng trong nhà để đưa ra phố bán. Giá mỗi cành từ khoảng 300 - 500 nghìn đồng, còn nguyên cây thì có giá 1 - 3 triệu đồng. Mỗi năm, gia đình cũng bán được gần chục triệu đồng tiền bán mai".
Dù các loại mai bonsai, mai tứ quý do các nhà vườn chăm sóc nhưng du khách vẫn không bao giờ quay lưng với mai rừng. Theo đó, mai rừng đa số là loại 5 cánh, có màu vàng nhẹ với một sức sống mãnh liệt cho dù bị chặt cành hay chặt cây. Nhiều nhà vườn cũng đã săn lùng những gốc mai rừng cổ thụ để về ghép với các giống mai nhà.
Ông Nguyễn Văn Cơ (phường Yên Đổ, TP. Pleiku), chia sẻ: "Tôi rất thích hoa mai rừng bởi vẻ đẹp tinh khiết và màu sắc của nó. Trên thị trường có rất nhiều loại hoa nhưng gia đình vẫn mua một cành mai rừng để về chưng bên bàn thời gia tiên. Nó thể hiện cho sự bình dị và gợi nhớ những kỉ niệm tết xưa của gia đình".