Đường Lê Lợi tại trung tâm TP HCM vừa được Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố đề xuất lắp mái che dọc vỉa hè. Lý do là để tạo bóng mát, an toàn cho người đi bộ, du khách. Cùng với đó tạo điều kiện kinh doanh cho các dãy nhà và cửa hàng.
Cũng theo sở này, mái che giúp kết nối được về mặt kiến trúc, đồng bộ cách bố trí các biển quảng cáo về kích thước cũng như màu sắc tạo thành một thể thống nhất hệ thống mái che chạy xuyên suốt trục đường. Mái che vươn ra 4m, kết cấu khung sắt lợp tôn và đóng trần phía dưới, kinh phí ước tính sơ bộ trên 20 tỉ đồng, bao gồm kinh phí vật tư, nhân công, thi công…
Vỉa hè đường Lê Lợi - Ảnh: SƠN NHUNG
Đề xuất này lập tức nhận nhiều sự quan tâm. TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng việc tạo bóng cho người dân, du khách khu vực trung tâm là tốt, tuy nhiên phương án lắp mái che bằng tôn là không phù hợp. Khi trời mưa gió, mái che có thể bị đổ sập nếu không được quản lý tốt. Theo TS Võ Kim Cương, nhiều nơi trên thế giới cũng làm mái che nhưng riêng đường Lê Lợi thì nên tính toán nhiều hơn vì liên quan tới bảo tồn cảnh quan.
Đồng quan điểm, nhiều bạn đọc cũng hình dung mái bằng tôn vừa nóng về nhiệt độ, vừa bí về không gian và đặt câu hỏi sao không trồng cây xanh. Bạn đọc Lynh Kim cho rằng thời tiết TP HCM nhiều mưa dông, lỡ gió lớn cộng mưa to thì nguy hiểm. Nickname Văn Nghệ Sài Gòn cũng bày tỏ nên trồng cây xanh, bởi "làm mái che kinh phí rất cao; cái nắng của đường nhựa hắt lên, cái nóng của mái hiên hắt xuống. Chịu gì cho nổi!".
Nhìn dưới góc độ thẩm mỹ và tiện ích, một số bạn đọc nêu quan điểm chưa nên vội phản ứng "bàn ra", bởi với công nghệ và vật liệu hiện nay "nếu muốn tạo không gian xanh trên Hỏa diệm sơn cũng không khó".
"Sở Quy hoạch- Kiến trúc là những nhà chuyên môn, điều chỉnh cái nhỏ trên cơ sở tầm nhìn là quy hoạch cả thành phố, họ đã đề xuất thì không thể nói là thiếu lý lẽ được" – bạn đọc Hoàng Hằng nhận xét.
Bạn đọc Ngọc Anh nói rõ hơn: "Tôi thấy lý do sở đưa ra nếu không 10 thì cũng điểm 8, 9…Ít nhất là cần thống nhất hình dáng của một tuyến đường, chứ mái che thò ra thụt vào trên cao dưới thấp kiểu tự phát của mỗi nhà vừa lộn xộn vừa không đồng bộ tiêu chuẩn an toàn”. Bạn đọc Kỳ Minh thì bổ sung: "Trồng thêm cây xanh, đương nhiên rồi. Nhưng cây dù chuyển từ nơi khác hay trồng mới thì khi có bóng mát, ít nhất cũng trên dưới chục năm, trong khi mái che làm nhanh, vừa giúp né mưa, tránh nắng vừa chờ cây đủ đủ lớn tỏa bóng. Tôi đi vài nước trên thế giới thấy họ phối hợp giữa vật liệu mái che với thiên nhiên rất khoa học".
Cho biết mình đã quan sát ý kiến tranh luận trên báo chí cũng như mạng xã hội, bạn đọc Đào Lê cho rằng làm gì thì cũng nên căn cứ từ đặc điểm thời tiết, khí hậu, địa hình, kiến trúc, cảnh quan đến văn hóa, thói quen kinh tế mặt tiền… của từng nơi. “Tiền chục tỉ bỏ ra rất lớn nhưng cũng cực nhỏ nếu bài toán mái che vỉa hè được giải quyết thấu đáo. Hãy tính toán kỹ bằng cái nhìn sâu và xa cho không chỉ về mặt kiến trúc thành phố trong tương lai" – bạn đọc Đào Lê nói.