Sáng 7/7, thí sinh bắt đầu làm bài thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Để tránh mất điểm oan uổng, thí sinh cần lưu ý những điều sau đây.
Phần đọc hiểu
Trả lời sai câu hỏi: nhận biết; thông hiểu; vận dụng thấp (câu 1, 2, 3) sẽ bị 0 điểm. Vậy nên thí sinh không được đoán mò mà cần nắm chắc: thể thơ; phong cách ngôn ngữ; phương thức biểu đạt; thao tác lập luận.
Thí sinh cần đọc kỹ ngữ liệu (văn bản thơ, văn xuôi) để hiểu được tác giả đề cập đến những nội dung nào. Tốt nhất thí sinh cần gạch chân các từ khóa ngắn gọn, trả lời trúng vấn đề, tránh viết dài dòng, lan man nhưng chẳng ăn nhập gì với câu hỏi.
Riêng câu hỏi vận dụng ở mức độ cao nhất (câu 4) của phần này là câu hỏi mở. Thí sinh phải hiểu hết nội dung văn bản để nắm bắt được tư tưởng, tình cảm mà tác giả thể hiện, gửi gắm. Hoặc câu hỏi cũng có thể yêu cầu thí sinh bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề, khía cạnh nào đó từ văn bản. Thí sinh có thể trả lời đồng tình, không đồng tình hoặc chỉ đồng tình một phần nhưng cần bày tỏ chính kiến một cách thuyết phục, không vi phạm đạo đức, thuần phong mĩ tục, không trái với pháp luật hiện hành.
Phần làm văn
Câu Nghị luận xã hội, thí sinh viết sai hình thức đoạn văn (viết xuống dòng, viết đoạn văn như một bài văn thu nhỏ), bị trừ ít nhất 0,25/2 điểm. Đặc biệt, xác định sai vấn đề cần nghị luận dẫn đến viết lạc đề sẽ bị điểm 0 ở phần nội dung. Vậy nên, thí sinh phải đọc kỹ câu lệnh để tránh viết sai lạc, thiếu nội dung.
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo kiểu tổng - phân - hợp, khoảng 2/3 hoặc 1 tờ giấy thi là đạt yêu cầu, tránh viết dài vừa mất thời gian vừa dàn trải, thiếu súc tích. Đoạn văn cần triển khai luận điểm rõ ràng, có dẫn chứng và lí lẽ thuyết phục, có thể mở rộng thêm vấn đề để bàn luận cho sâu sắc.
Câu Nghị luận văn học, viết không đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (không thể hiện rõ mở bài, thân bài, kết bài - bài viết bị trừ 0,25/5 điểm điểm. Xác định sai vấn đề cần nghị luận dẫn đến viết lạc đề sẽ bị điểm 0 ở phần nội dung. Bên cạnh đó, thí sinh viết sai chính tả, ngữ pháp cũng bị trừ từ 0,25 điểm.
Ngoài ra, thí sinh làm bài không theo thứ các câu hỏi ở phần đọc hiểu, làm bài xong rồi mới ghi phần bổ sung nội dung cho câu này, câu kia; bài viết cẩu thả; tẩy xóa… cũng khiến giám khảo khó thiện cảm, tất nhiên bài viết cũng bị trừ điểm theo.
Ôn tập giai đoạn nước rút
Thời gian còn lại không nhiều, thí sinh nên ôn bài trọng tâm, sử dụng sơ đồ tư duy để hệ thống các phạm vi kiến thức là tốt nhất. Phần Đọc hiểu và Nghị luận xã hội, đề ra ngoài phạm vi chương trình sách giáo khoa, vậy nên thí sinh dành thời gian nhiều cho phần Nghị luận văn học – chiếm 5 điểm trên tổng bài thi.
Thí sinh có thể ôn tập các tác phẩm văn học theo chủ đề, ví như: chủ đề thơ; chủ đề ký; chủ đề truyện ngắn, chủ đề kịch. Cần nắm vững: tác giả; hoàn cảnh ra đời của tác phẩm; phong cách nghệ thuật tác giả; nội dung và nghệ thuật tác phẩm. Chú ý viết phần mở bài, kết bài nhiều lần theo các dạng cho nhuần nhuyễn, bởi thí sinh thường mất nhiều thời gian cho 2 phần này.
Theo đề minh họa của Bộ GD&ĐT, đề cho sẵn một đoạn văn xuôi (cũng có thể đề thi cho đoạn thơ), thí sinh rèn thêm kỹ năng làm bài phân tích một đoạn trích văn xuôi hoặc thơ.
Ví dụ phân tích nhân vật bà cụ Tứ qua đoạn văn: “Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối. Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt. Bà lão thở nhẹ ra một hơi dài. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đưa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?...”
Thí sinh có thể phân tích theo gợi ý: Nén lòng để tạo tâm lý thoải mái cũng như sự khởi đầu tốt đẹp nhất cho hai đứa con nhưng bà lão không thể quên đi những ám ảnh về đói rét, chết chóc. Có thể nói đây là một nét tâm lý rất phức tạp và sâu kín của bà cụ Tứ. Khi trở về với cõi riêng của mình, lòng người mẹ nghèo lại quặn thắt với những đau đớn, xót xa.
Điều đó được thể hiện rất rõ qua chi tiết: “Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối... Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình.”
Kim Lân đã thấu suốt vào cái nhìn của bà cụ Tứ để nhận thấy trong đó sắc màu chủ đạo là màu đen đặc của bóng tối. Cái bóng tối ở đây không chỉ là bóng tối của đêm mà còn là bóng tối của đói nghèo, cực khổ đã bao trùm lên toàn bộ cuộc đời bà, là bóng tối của sự chết chóc, ám ảnh qua nỗi nhớ về những người thân đã khuất là chồng và đứa con gái út. Bóng tối này đã đè nặng lên ánh nhìn, đè nặng lên tấm lòng của người mẹ nghèo để trong lòng bà tràn lên một nỗi xót xa cho số phận mình, nhưng lớn hơn là sự lo lắng đến xót một cho sự tồn tại, cho tương lai các con: “Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?...”
Như thế, ngoài việc phân tích các chi tiết, hình ảnh, diễn biến tâm lý nhân vật… thí sinh cần viết có cảm xúc, đồng cảm với tâm trạng nhân vật thì bài văn mới tự nhiên, dễ đi vào lòng người.
Phan Thế Hoài (giáo viên)