Mã độc tấn công các ứng dụng ngân hàng tại Việt Nam

THANH PHƯỢNG (Tổng hợp)| 15/06/2022 11:31

Theo báo cáo Digital 2022 do We Are Social thực hiện, năm 2021 đã ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng người dùng điện thoại di động truy cập Internet, tăng 147% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó là sự gia tăng số lượng mã độc di động nhắm vào người dùng Việt.

Số lượng mã độc di động tại Việt Nam đã tăng gần 46,9% trong năm 2021

Gần đây, công ty an ninh mạng toàn cầu Kaspersky đã phát hiện và ngăn chặn tổng cộng 43.171 cuộc tấn công trên thiết bị di động nhắm vào người dùng tại Việt Nam, cao hơn 46,9% so với năm 2020. Trong đó, Trojan là mối đe dọa phổ biến nhất tại Việt Nam.

Tình hình tấn công mạng vào các thiết bị di động tại khu vực Đông Nam Á gần đây

Trong khi Việt Nam và Thái Lan chứng kiến sự gia tăng về số lượng các cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại, các quốc gia Đông Nam Á khác lại nhận thấy xu hướng giảm về số lượng các cuộc tấn công nhắm vào người dùng di động nhờ vào nỗ lực của Kaspersky trong việc chặn hơn 2000 mã độc di động mỗi ngày.

Cụ thể, số lượng các cuộc tấn công tại Indonesia đã giảm 0,9%, tại Malaysia giảm 30,59%, tại Philippines giảm 38,85% và tại Singapore giảm 15,85%. Bên cạnh đó, số lượng các cuộc tấn công tại Thái Lan đã tăng 130,71%.

Xét về số lượng, Indonesia là quốc gia có số lượng mã độc di động cao nhất với 375.547 cuộc tấn công được phát hiện. Đây cũng là năm thứ ba quốc gia này đứng đầu Đông Nam Á kể từ 2019. Nghiên cứu từ Kaspersky cũng cho thấy rằng, mặc dù mã độc di động nhắm vào thiết bị di động trên toàn cầu đã giảm đi trong năm 2021, nhưng chúng ngày càng trở nên tinh vi hơn cả về chức năng và hướng tấn công.

Ngoài ra, về mã độc tấn công ứng dụng ngân hàng trên di động, Việt Nam đứng đầu với 697 cuộc tấn công được phát hiện, đã tăng 131 vụ so với năm 2020. Tuy nhiên, không chỉ Việt Nam đối diện với sự gia tăng này.

Indonesia và Philippines cũng đã chứng kiến sự gia tăng của mã độc tấn công ứng dụng ngân hàng trên di động. Thái Lan lại có một mức giảm ấn tượng, với 255 vụ vào năm 2020 giảm xuống 28 vụ vào năm 2021, tương đương mức giảm 89%.

Dù có thể xem là một tín hiệu tích cực, nhưng người dùng không nên lơ là. Theo một nghiên cứu khác từ Kaspersky, chi phí phát sinh do vi phạm dữ liệu vào năm 2021 đã tăng lên mức trung bình 105.000 USD cho mỗi một doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Di động chính là tương lai ở Đông Nam Á. Mặc dù nhìn bề ngoài, tội phạm mạng đang trở nên ít hoạt động hơn do các cuộc tấn công mã độc di động đã giảm xuống. Tuy nhiên, đó là xu hướng toàn cầu và điều đó không chắc chắn là là chúng ta an toàn hơn. Chúng ta cần lưu ý rằng khi sử dụng các ứng dụng thanh toán kỹ thuật số nhiều hơn, chúng ta đã vô thức đặt nhiều tiền hơn vào thiết bị của mình. Các thiết bị của chúng ta thường vẫn dễ bị tấn công từ các phần mềm độc hại đơn giản”, ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á của Kaspersky cho biết.

Tình hình lây nhiễm mã độc trên cả nước

Trong tháng 5/2022, Hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) đã ghi nhận 745,012 địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng botnet, trong đó có 250 địa chỉ IP của cơ quan, tổ chức nhà nước (25 địa chỉ IP Bộ/Ngành, 225 địa chỉ IP Tỉnh/Thành) giảm 3,18% so với tháng 4/2022.

Hệ thống kỹ thuật của NCSC đã ghi nhận có 1.850 điểm yếu, lỗ hổng an toàn thông tin tại các hệ thống thông tin của các cơ quan tổ chức nhà nước. Số lượng điểm yếu, lỗ hổng nêu trên là rất lớn, do đó Cục An toàn thông tin đã chỉ đạo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia triển khai đánh giá, xác định các lỗ hổng nguy hiểm, có ảnh hưởng trên diện rộng và hướng dẫn các Bộ/Ngành khắc phục. Đặc biệt có một số lỗ hổng đã và đang được các nhóm tấn công lợi dụng để thực hiện các cuộc tấn công APT.

Đến hết tháng 5/2022 đã có 83 đơn vị (62 Tỉnh/Thành, 21 Bộ/Ngành) triển khai giải pháp phòng chống mã độc tập trung và thực hiện kết nối chia sẻ thông tin về mã độc với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC).

Trong tháng 5/2022, thông qua kết nối chia sẻ dữ liệu về mã độc từ 83 đơn vị, Hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) ghi nhận 66/83 đơn vị có kết nối thường xuyên, 57/66 đơn vị có chia sẻ về hệ điều hành mã độc, điểm yếu, kết nối nghi ngờ (tổng số máy là 58.819).

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
  • Video: Mã độc khét tiếng Emotet đã trở lại
    Mới đây, các chuyên gia an ninh mạng đã đưa ra cảnh báo cho biết, mã độc botnet Emotet khét tiếng đã có dấu hiệu quay trở lại và có khả năng gây ra những tác hại tồi tệ hơn bao giờ hết.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mã độc tấn công các ứng dụng ngân hàng tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO