Ly kỳ cuộc đời ‘vua lừa đảo Ấn Độ’ 3 lần bán đền Taj Mahal, 9 lần vượt ngục

20/03/2023 07:33

Natwarlal khiến nhiều bậc thầy lừa đảo phải kính nể vì có thể bán đền thờ Taj Mahal nổi tiếng đến 3 lần, thậm chí bán cả trụ sở Quốc hội Ấn Độ và vượt ngục thành công ít nhất 9 lần.

“Vua lừa đảo Ấn Độ” Natwarlal tên thật là Mithilesh Kumar Srivastava, sinh năm 1912 trong một gia đình trung lưu tại làng Bangra thuộc quận Siwan, bang Bihar, miền đông Ấn Độ. Ông ta có 2 em trai và có cha là trưởng ga tàu.

Ảnh chân dung “vua lừa đảo” Natwarlal trong hồ sơ cảnh sát, chụp năm 1976 và 1996. Ảnh: 13angle.com

Dấn thân vào nghề lừa đảo

Theo trang India Times, Srivastava lần đầu tiên phát hiện ra khả năng giả mạo của mình sau khi bước vào tuổi trưởng thành và được một người hàng xóm nhờ ký gửi hộ hối phiếu ngân hàng. Nhận thấy bản thân có thể giả chữ ký của hàng xóm một cách dễ dàng, Srivastava đã tìm cách rút 1.000 rupee (12,2 USD) từ tài khoản của người này trước khi bị phát hiện.

Để tránh bị trừng phạt, Srivastava đã chạy trốn đến Calcutta (Kolkata) và bắt đầu sử dụng tên giả Natwarlal. Tại đây, ông ta đã theo học chuyên ngành thương mại để lấy bằng cử nhân, rồi làm công việc môi giới chứng khoán. Ông ta từng thử kinh doanh vải vóc, nhưng không thành công.

Vì có cha là trưởng ga tàu, nên Natwarlal hiểu rõ về ngành vận tải đường sắt ở Ấn Độ. Trong khi, bằng cử nhân thương mại và thời gian làm môi giới chứng khoán đã giúp ông ta thông thạo về các quy tắc ngân hàng. Cùng với đó, khả năng giả mạo các tài liệu và chữ ký đã khiến ông ta thực hiện được nhiều vụ lừa đảo trót lọt.

Sau lần bị bắt đầu tiên vào năm 1937 vì ăn trộm 9 tấn sắt, Natwarlal tạm thời thay đổi chiến thuật. Theo cảnh sát, ông ta thường xuyên đi gặp các gái bán dâm, chuốc họ uống rượu bỏ thuốc mê, rồi đánh cắp đồ trang sức và tiền. Tuy nhiên, bậc thầy lừa đảo nhanh chóng nhận ra chiến thuật này quá nguy hiểm và ông ta quay trở lại với các phi vụ tinh vi hơn.

Bậc thầy lừa đảo

Natwarlal được cho đã lừa hàng trăm chủ cửa hàng, thợ kim hoàn, chủ ngân hàng và người nước ngoài để lấy hàng vạn rupee, sử dụng hơn 50 bí danh để ngụy trang. Ông ta thường dùng những chiêu trò mới lạ để khiến các nạn nhân sập bẫy, chẳng hạn vào những năm 1950, ông ta đã dùng thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt của Ngân hàng bang Punjab 650.000 rupee (gần 8.000 USD) trong một vụ lừa đảo liên quan đến vận chuyển hàng hóa đường sắt và các bao gạo.

Đôi khi Natwarlal đóng giả làm nhân viên xã hội hoặc người nghèo, lúc khác lại giả danh là làm giám đốc kinh doanh hay nhân viên thu mua. Ông ta thường trả tiền cho các nạn nhân bằng séc và hối phiếu đòi nợ giả.

Dù nhiều lần sa lưới cảnh sát nhưng Natwarlal (giữa) rốt cuộc vẫn đào tẩu thành công. Ảnh: Indian Times

Natwarlal cũng tỏ ra là bậc thầy trong việc giả mạo chữ ký của những nhân vật nổi tiếng. Ông ta được cho đã làm giả chữ ký một số nhà công nghiệp như Tatas, Birlas hay Dhirubhai Ambani và lấy đi của họ những khoản tiền khổng lồ. Có thông tin cho rằng, ngoài việc lừa bán thành công đền thờ Taj Mahal lừng danh tới 3 lần, Natwarlal thậm chí đã tìm cách "bán" cả tòa nhà Quốc hội Ấn Độ cho một người nước ngoài.

Chuyện về các vụ lừa đảo của Natwarlal có nhiều yếu tố được thêm thắt, đồn thổi, cộng với việc thiếu bằng chứng khiến ngay cả nhà chức trách cũng khó kết tội hoặc xác định quy mô các hành động phạm pháp của ông ta. Năm 1987, Arvind Jain, giám đốc cảnh sát ở Varanasi từng nói về Natwarlal như sau: “Hắn rất thông minh. Tôi không tin Natwarlal là một người nghèo khổ như hắn tuyên bố hay những thứ liên quan đến việc hắn phân phát tiền cho người nghèo và không dính vào tệ nạn. Chúng tôi cần điều tra kỹ lưỡng hơn về quá khứ của hắn”.

Kết cục không ai ngờ

Theo nhiều tài liệu, Natwarlal giống như "người hùng Robin Hood" ở làng Bangra, quê hương ông ta. Natwarlal được cho đã dành một phần số tiền kiếm được cho những người kém may mắn hơn. Những câu chuyện đồn thổi về trò lừa đảo bất bạo động và chỉ nhắm vào những người giàu có khiến ông ta trở nên rất nổi tiếng. Theo một người dân thị trấn Siwan, sự xuất hiện của Natwartal đã thu hút rất đông người bất kỳ khi nào ông ghé thăm.

Trong một trường hợp được báo cáo, Natwarlal đã đến Bangra, dùng chiến lợi phẩm để tổ chức một bữa tiệc lớn cho dân làng. Tại bữa tiệc, ông ta cũng tặng 100 rupee cho mỗi người dân nghèo trước khi biến mất.

Dân Bangra rất tự hào về việc Natwarlal có gốc gác ở làng này. Năm 2011, họ thậm chí đã lên kế hoạch dựng tượng Natwarlal tại địa điểm nhà cũ của ông ta.

Tuy nhiên, các phi vụ lừa đảo khét tiếng khiến Natwarlal phải chịu những bản án lớn, với tổng số thời gian ngồi tù ngày càng cao. Chỉ riêng ở bang Bihar, ông ta đã bị truy tố vì 14 vụ giả mạo và bị kết án 113 năm tù giam. Tuy nhiên, Natwarlal khoe rằng không nhà tù nào có thể giam giữ ông ta hơn một năm và đó không phải là sự cường điệu.

Báo India Today thống kê, Natwarlal đã bị bắt 9 hoặc 10 lần, nhưng ông ta hầu như đều có thể vượt ngục thành công. Các nguồn tin nói, ông ta chỉ phải ngồi tù khoảng 20 năm trong suốt cuộc đời.

Những cuộc đào tẩu của ông ta cũng rất ly kỳ, xảo quyệt. Ví dụ, vào năm 1957, Natwarlal trốn khỏi nhà tù Kanpur bằng cách mặc đồng phục sĩ quan cảnh sát mua lậu, hối lộ lính canh phòng giam bằng một va li đầy tiền, sau đó hiên ngang đi qua cổng trước và được các lính canh cúi chào. Về sau, chiếc va li được phát hiện chỉ chứa các tờ báo.

Lần cuối cùng Natwarlal bị bắt là vào năm 1996, khi đã 84 tuổi. Dù tuổi cao và phải ngồi xe lăn, ông ta vẫn trốn thoát một lần nữa. Nhà chức trách chỉ nhìn thấy “vua lừa đảo” lần cuối vào ngày 24/6/1996 tại ga tàu hỏa New Delhi, khi ông đang bị cảnh sát dẫn giải từ nhà tù Kanpur đến Viện Y khoa toàn Ấn Độ ở thủ đô New Delhi để điều trị. Sau đó, không ai còn nhìn thấy ông ta nữa.

Năm 2009, luật sư của Natwarlal yêu cầu hủy bỏ hơn 100 cáo buộc đang chờ xử lý đối với thân chủ, viện dẫn lí do ông ta đã qua đời vào ngày 25/7/2009. Tuy nhiên, em trai của Natwarlal sau đó tuyên bố đã hỏa táng ông ta ở Ranchi từ năm 1996, năm ông ta đào tẩu lần cuối. Do không tuyên bố nào có thể xác thực được nên ngày mất chính xác của Natwarlal hiện vẫn là một ẩn số.

Áp phích quảng cáo cho bộ phim Raja Natwarlal năm 2014. Ảnh: India Today

Cuộc đời của Natwarlal đã trở thành cảm hứng của các nhà làm phim Bollywood và sự ra đời của một số bộ phim gây chú ý như “Ông Natwarlal” năm 1979 hay “Raja Natwarlal” năm 2014. Kênh tin tức Aaj Tak năm 2004 cũng cho phát sóng một chương trình truyền hình tội phạm dựa trên câu chuyện có thật về Natwarlal, có tên Jurm.

Tuấn Anh

Theo infonet.vietnamnet.vn
https://infonet.vietnamnet.vn/ly-ky-cuoc-doi-vua-lua-dao-an-do-3-lan-ban-den-taj-mahal-9-lan-vuot-nguc-5016896.html
Copy Link
https://infonet.vietnamnet.vn/ly-ky-cuoc-doi-vua-lua-dao-an-do-3-lan-ban-den-taj-mahal-9-lan-vuot-nguc-5016896.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ly kỳ cuộc đời ‘vua lừa đảo Ấn Độ’ 3 lần bán đền Taj Mahal, 9 lần vượt ngục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO