Tôi kết hôn khi tuổi đời còn rất trẻ, vợ tôi bằng tuổi. Cả hai đều xuất thân tỉnh lẻ, lên thành phố lập nghiệp đối diện với vô vàn khó khăn. Tôi vẫn không thể nào quên được cảnh cả hai phải ở trọ trong căn phòng cũ kỹ, chật hẹp, lương mỗi tháng chỉ đủ trả tiền thuê trọ, tiền ăn, dư được một chút thì tích lũy lo cho tương lai. Mơ ước về một căn hộ chung cư của riêng mình vẫn cứ mãi xa vời.
Không lâu sau khi cưới nhau, công việc của tôi gặp nhiều vấn đề, các công trình xây dựng nợ tiền liên miên, khiến nhiều tháng ròng tôi không có thu nhập. Đã khó lại thêm khốn đốn, tất cả chỉ phụ thuộc vào đồng lương viên chức gần 4 triệu đồng của vợ. Có những ngày cuối tháng, tôi chẳng dám về nhà, không đủ dũng khí đối diện với vợ vì tài khoản vẫn trống trơn.
Ban đầu, vợ tôi cũng hiểu và động viên, lâu dần cô ấy bắt đầu thở dài chán nản, rồi bực tức vô cớ. Tôi hiểu tâm trạng nặng nề của vợ nên cũng cố nhịn cho qua. Thế nhưng cũng vì tiền, mâu thuẫn giữa chúng tôi ngày một lớn, những trận cãi cọ thường xuyên hơn và một ngày, cô ấy đưa tờ giấy ly hôn để “giải thoát” cho cả hai.
Tôi không quá bất ngờ vì đã chuẩn bị tinh thần từ trước, chỉ cay đắng khi ký xong vào giấy ly hôn, vợ nói một câu: “Tưởng chung đường được chồng bao bọc, che chở, thế nhưng anh cũng chỉ là kẻ bất tài vô dụng thôi. Đời tôi đã chịu đủ khổ rồi”.
Kể từ đó, chúng tôi coi nhau như người xa lạ. Dù sống trong cùng một thành phố, nhưng chưa bao giờ chúng tôi có ý định liên hệ, gặp lại hoặc hỏi han thông tin về người kia. Cú sốc ly hôn khiến tôi quyết định nhận về làm giám sát cho một công trình ở tỉnh Hải Phòng. Mọi thứ diễn ra khá thuận lợi ngoài dự tính, tôi bắt đầu có lương tháng đều hơn và nhận được những công trình lớn hơn.
Tôi định cư luôn tại Hải Phòng, mua một căn hộ chung cư riêng để ở. Tôi vẫn chưa có ý định lập gia đình vì ám ảnh với những lời vợ cũ nhiếc móc vẫn khắc sâu trong lòng. Khi nào chưa thực sự giàu có, tôi sẽ không tiếp tục làm khổ người phụ nữ khác.
Thế nhưng, một hôm khi đi giám sát công trình về đêm muộn, tôi sững sờ khi thấy một người phụ nữ bụng bầu vượt mặt đứng đợi dưới sảnh, nét hao hao quen thuộc lắm. Tôi nheo mắt lại gần, người phụ nữ cũng tiến đến nhanh về phía tôi và gọi lớn: “Anh Thành! Em đây, Linh đây, anh không nhận ra em sao?”.
Thú thực tôi bị ngớ người mất mấy giây, lúc trấn tĩnh lại, tôi điềm nhiên hỏi: “À Linh, sao em lại ở đây thế? Lâu rồi không gặp, em đến có việc gì?”.
Vợ cũ đột nhiên khóc nức nở rồi giãi bày: “Em… Em không biết nên làm thế nào, anh giúp em với, em hết cách rồi”. Tôi đưa cô ấy đến khu vực ghế ngồi chờ ở sảnh, rồi nhẹ nhàng hỏi đầu đuôi. Thông qua lời tâm sự, tôi mới biết Linh có bầu với người yêu hiện tại, thế nhưng lúc có thai, người đàn ông kia lại “chạy bầu” nhất quyết không cưới. Gia đình anh ta cũng không thừa nhận Linh, mà Linh không muốn con sinh ra không có bố, không có nơi nương tựa. Rồi cả gia đình, cơ quan sẽ nhìn nhận thế nào về cô ấy. Nghĩ hết cách, Linh mới thông qua một vài người bạn hỏi thông tin về tôi và lặn lội tìm đến tận đây.
Đề nghị đột xuất của cô ấy khiến tôi á khẩu, chưa biết nên nói ra sao. Thấy tôi bối rối, Linh lại cầm tay tôi và khóc: “Em biết là em có lỗi nhưng anh hãy hiểu cho em, đã có lúc em quá tuyệt vọng với cuộc sống của chúng mình. Em thực sự vẫn yêu anh, vậy nên nếu có thể, mong anh cũng đón nhận em, chúng ta sẽ làm lại từ đầu”.
Nhìn vợ cũ khóc nấc thành tiếng, lại đang mang bụng bầu khá lớn, lòng tôi rối bời. Trong thâm tâm, tôi vẫn thương cô ấy. Thế nhưng, để chấp nhận một người vợ đã từng chỉ trích mình, vì nghèo mà bỏ tôi đi, nay lại muốn tôi “đổ vỏ hộ”, quả thực tôi không đủ dũng cảm để nhận trọng trách này.
Tôi động viên cô ấy đừng lo nghĩ khóc lóc nhiều quá vì sẽ ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng. Rồi dần dần sẽ tìm ra cách để giải quyết thôi. Tuy nhiên tôi cũng chưa biết sẽ làm cách gì để giúp cô ấy cả.
Mẹ bầu khóc nhiều có ảnh hưởng tới thai nhi không?
Do sự thay đổi hormone trong cơ thể, những áp lực và căng thẳng trong cuộc sống rất dễ khiến mẹ bầu khóc. Tuy nhiên, bà bầu nên cẩn trọng nếu khóc nhiều vì có thể gây ảnh hưởng tới thai nhi.
Ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi
Khi mẹ bầu khóc nhiều sẽ trở nên ít vận động hơn, chán ăn, sụt cân hoặc cũng có trường hợp mẹ tăng cân không kiểm soát. Chính những điều này khiến sự trao đổi chất giữa mẹ và bé bị ảnh hưởng, bé sẽ không nhận được đủ dưỡng chất khiến bé phát triển chậm hơn. Đặc biệt là đối với não bộ.
Trẻ bị rối loạn giới tính
Sự căng thẳng và khóc thường xuyên của mẹ bầu sẽ khiến cơ thể mẹ tiết ra hormone cortisol khiến việc sản xuất hormone giới tính cho bé bị tác động. Do đó, giới tính của bé hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng.
Trẻ bị bệnh tim
Theo các chuyên gia, thai nhi có mẹ khóc nhiều có nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh cao hơn so với các mẹ bầu có tinh thần lạc quan, vui vẻ.
Hệ thần kinh của bé bị ảnh hưởng
Mẹ bầu khóc nhiều khiến 2 loại hormone Dopamine và Cortisol liên tục được sản xuất. Cả 2 hormone này khiến hệ thần kinh bị ảnh hưởng, gây ra tình trạng kích động, bồn chồn.
Với mẹ và bé, hai loại hormone này có thể “lây” qua nhau thông qua nhau thai. Chính vì vậy, trẻ sẽ có nguy cơ mất ổn định và bị tăng động cao hơn bình thường.
Vì vậy, để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và con, thai phụ nên cố gắng điều chỉnh giảm cảm xúc tiêu cực, thư giãn cơ thể và tinh thần, cải thiện khẩu phần ăn cũng như thể dục nhẹ nhàng để cải thiện tâm trạng.
Theo Báo PNTĐ