Đôi khi một cuộc hôn nhân tan vỡ không phải là chấm hết. Nó giống như một đoạn nghỉ trong cuộc đời mỗi chúng ta, giúp chị em phụ nữ nhìn lại chặng đường đã qua. Có đau thương, song cũng có những bài học rút ra để bản thân trưởng thành, không còn vấp phải sai lầm cũ. Đặc biệt, chúng ta nên giữ một tinh thần, thái độ tích cực để luôn vững vàng trước mọi sóng gió. Hẳn là câu chuyện của V. dưới đây sẽ giúp những ai trong tình cảnh tương tự suy ngẫm được nhiều điều.
Ly dị với chồng chỉ vì bát cơm trắng, người phụ nữ rời đi trong cay đắng
V. sống trong gia đình được bố mẹ chiều chuộng, từ bé đến lớn cô đều chẳng phải động tay vào bất cứ việc nhà nào. Hoặc nếu có cũng chỉ là vài ba việc đơn giản. Khác với bạn bè đồng trang lứa, V. không tự nấu cho mình được một bữa cơm hoàn chỉnh. Bù lại, cô nàng có một vẻ ngoài lôi cuốn và nghề nghiệp tự do ổn định.
Vì được bố mẹ giúp đỡ, V. mở salon tóc, cô làm cắt tóc, thậm chí kiêm cả gội đầu cho khách, thu nhập tốt. Dần dần, salon tóc của V. đông nhân viên hơn, song V. vẫn làm nhiệm vụ cắt tóc bởi khả năng tay nghề tốt. Đến năm 25 tuổi, V. kết hôn với một chàng trai hơn mình 3 tuổi.
Ảnh minh họa.
Suốt thời gian yêu nhau, hai người thường hẹn hò ở quán xá để không phải nấu nướng tại nhà. Chính V. cũng chia sẻ với đối phương về việc mình không đảm đang chuyện nữ công gia chánh. Bù lại, chồng của V. lại khéo tay, anh có thể làm việc nhà chẳng thua gì phái đẹp. Ở những năm tháng tuổi trẻ, họ nghĩ sự bù trừ này có thể tạo dựng nên một mái ấm hạnh phúc. Nên cuối cùng, V. và chồng chọn về chung một nhà.
Nhưng rồi hôn nhân có vô vàn những điều trắc trở mà đôi bạn trẻ không thể lường trước. Hàng ngày, đều là chồng V. đi làm về, rồi anh nấu cơm, đợi vợ làm việc xong thì cả hai cùng ăn. Do công việc của V. không cố định giờ giấc, thậm chí đợt cao điểm có thể phải làm tới 9, 10 giờ tối nên thời gian ăn cũng thay đổi liên tục. Giữa hai vợ chồng dần nảy sinh nhiều mâu thuẫn, cãi vã. Anh chồng thì càu nhàu vợ vụng về đủ đằng, nhưng cá tính của V. cũng mạnh, cô không chịu xuống nước.
Có một lần, V. quát chồng ở giữa salon, kêu anh đi nấu cơm mặc dù chồng đang bị ốm mệt. Lát sau, người đàn ông để một bát cơm trắng kèm nước tương lên mâm rồi bê ra cho vợ. Anh ta nói "Chỉ nấu được thế này, ăn thì ăn còn không ăn thì đổ đi". Cũng chính ngày hôm đó, đôi bên đẩy căng thẳng lên tột cùng. Và họ li dị sau hơn 1 năm rưỡi chung sống. Người phụ nữ cay đắng rời đi khỏi mối quan hệ. Cô mất tất cả, thậm chí còn chưa có con cái, đành phải ngậm ngùi chấp nhận.
Bài học đắt giá sau 3 năm trời
Sau khi V. ly dị thì thêm một biến cố ập đến. Mẹ của V. qua đời đột ngột, giờ cô chỉ còn bố và một người anh trai. Dường như xung quanh V. chẳng còn ai để tâm sự, chăm sóc cho cô. Dần dần, người phụ nữ rơi vào trạng thái trầm lặng, song chính thời điểm này, V. nhận ra nhiều bài học đắt giá.
Ảnh minh họa.
Cô không thể chịu nổi với những bữa ăn tạm bợ đặt ở bên ngoài. Công việc dù bận bịu, nhưng cô vẫn cố dành thời gian để vào bếp, học nấu nướng từng món một. Và kết quả là chỉ sau 4, 5 tháng, tay nghề nấu ăn của V. đã thành thạo, cô có thể chuẩn bị cả một mâm cơm thịnh soạn cho gia đình. Ngoài ra, cô cũng biết chăm chút cho bản thân, không phải lúc nào cũng cắm mặt vào công việc.
Khi đã có những sự tự tin nhất định, cô thấy mình dễ dàng làm quen với người mới. Thậm chí, V. còn hiểu, được chăm sóc cho người khác là điều rất ý nghĩa, thiêng liêng, có thể giúp mối quan hệ ấm áp, bền chặt hơn. Nếu chỉ biết cho hay chỉ biết nhận, hẳn là sớm muộn tinh thần cũng mệt nhoài, thiếu sức sống. Sau 3 năm kể từ ngày ly dị, V. có cuộc hôn nhân mới viên mãn, hạnh phúc hơn. Phụ nữ à, hãy cứ tôi luyện bản thân, đổi mới mỗi ngày, chắc chắn hạnh phúc sẽ luôn ở trong tầm với!
THEO PHÁP LUẬT VÀ BẠN ĐỌC