Kịch bản tạo niềm tin
Gia đình chị Dung - có con học lớp 8 tại một trường quốc tế ở quận Bình Thạnh (TPHCM) - đã hốt hoảng khi nhận được cuộc gọi có người tự xưng là giáo viên thông báo con chị bị té tại trường, cần mổ gấp do nghi bị chấn thương sọ não. Người này nói cần phải chuyển tiền ngay để kịp làm phẫu thuật cho con.
"Chồng tôi là người nhận cuộc điện thoại này. Anh cuống quýt gọi cho tôi để báo chuyển tiền rồi chạy xe đến bệnh viện", chị Dung nói.
Người phụ nữ này chia sẻ lúc đó trong lòng thực sự cũng nóng như lửa đốt nhưng có bình tĩnh hơn chồng vì đã đọc được những thông tin cảnh báo từ trước.
"Tôi gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm xác minh và đề nghị được nói chuyện trực tiếp với con. Sau khi nghe chính con trai nói mình đang học ở trường bình thường và không có vấn đề gì, tôi mới thực sự an tâm", chị Dung kể và cho rằng nếu chị không cầm số tài khoản có lẽ chồng đã chuyển tiền ngay theo yêu cầu.
Với chị Dung, con cái là tài sản quan trọng nhất, nhất là khi chị chỉ có một đứa con, vì vậy, nghe được thông tin từ đối tượng lừa đảo, phụ huynh như vợ chồng chị không thể không lo lắng được.
Chị H. - phụ huynh Trường Quốc tế Á Châu - cũng nhận được cuộc gọi tương tự vào sáng 6/3. Chị kể, do người gọi điện biết rõ tên, lớp, trường học của con gái nên chị rất bất ngờ.
Theo lời chị H., kẻ lừa đảo rất tinh vi khi kết nối với phụ huynh học sinh. Người này tự xưng là bác sĩ. Trong cuộc gọi có cả những âm thanh như tiếng máy thở, dụng cụ dao kéo… để mọi người dễ tin hơn.
"Nhiều phụ huynh trường tôi đã bị gọi điện và yêu cầu chuyển tiền, có người cũng đã chuyển tiền rồi. Trước đó, nhà trường đã phát đi cảnh báo nên tôi mới không bị sập bẫy. Tôi đặt câu hỏi rằng tại sao kẻ lạ lại có thông tin của phụ huynh, học sinh như vậy", chị H. bày tỏ.
Hay như trường hợp của một phụ huynh lớp 4, Trường Tiểu học Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) cũng nhận được cuộc gọi với nội dung tương tự vào sáng 7/3. Do được nhà trường cảnh báo từ trước nên phụ huynh đã trực tiếp đến trường để hỏi.
Không may mắn như những phụ huynh trên, thực tế ghi nhận tại các bệnh viện đã có nhiều trường hợp chuyển hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng cho kẻ lừa đảo. Ngoài các trường hợp nạn nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy được Dân trí phản ánh trước đó thì trong ngày 7/3, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn ghi nhận 4 trường hợp phụ huynh đến tìm con vì nhận được thông tin con chấn thương sọ não cần cấp cứu. Trong đó đã có 2 trường hợp chuyển 50 triệu đồng đến số tài khoản do kẻ mạo danh cung cấp.
Tình trạng kẻ gian gọi điện thoại lừa đảo, yêu cầu phụ huynh chuyển tiền vì con đang cấp cứu đang xảy ra ngày càng nhiều tại trường học ở TPHCM.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bác sĩ Phạm Văn Giào, Viện trưởng Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, cho biết, trong câu chuyện này, những phụ huynh chuyển tiền cho kẻ lừa đảo đã thiếu đi sự bình tĩnh khi tiếp nhận thông tin cũng như lắng nghe rõ ràng câu chuyện. Kẻ lừa đảo đã đánh vào tâm lý chung của cha mẹ luôn yêu thương con cái và đặt sự quan tâm đó lên hàng đầu.
Theo ông Giào, việc con đi cấp cứu, bị chấn thương sọ não là một yếu tố tạo nên cao trào nhằm cho phụ huynh mất đi bình tĩnh, thiếu đi sự tỉnh táo khi lắng nghe thông tin qua điện thoại.
"Trong những lúc khủng hoảng như thế, phụ huynh sẽ dễ dàng bị thiếu đi ý chí và sự tỉnh táo", ông Giào nói.
Mặc dù cơ quan chức năng, nhà trường đã đưa ra thông tin cảnh báo nhưng vẫn có một số phụ huynh tiếp tục sập bẫy, ông Giào cho rằng điều này thể hiện tâm lý tiếp nhận thông tin cũng như xử lý của phụ huynh còn nhiều hạn chế.
"Đó cũng là bài học kinh nghiệm xương máu cho phụ huynh. Dù gặp bất cứ một vấn đề nào, chúng ta cần giữ một trạng thái bình tĩnh, tỉnh táo, lắng nghe câu chuyện rõ ràng, tiếp xúc thông tin mạch lạc. Chúng ta cần có thời gian xác minh thông tin từ các nguồn chính thống để có quyết định đúng và kịp thời", bác sĩ Phạm Văn Giào nhấn mạnh.
Kịch bản sơ hở nhưng phụ huynh vẫn "sập bẫy"
Phân tích về vấn đề này, TS Phan Đình Khánh - Ủy viên Ban chấp hành Hội Luật gia TPHCM, nguyên kiểm sát viên VKSND TPHCM - cho biết, thời gian gần đây chiêu thức lừa đảo trên mạng xuất hiện rất nhiều. Người thực hiện hành vi tội phạm này rất am hiểu tâm lý đối phương để lên những kịch bản khác nhau.
Ông Khánh dẫn ví dụ, trong vụ việc gọi điện lừa phụ huynh có con đi cấp cứu cần chuyển tiền thì phụ huynh bị lừa đầu tiên là ở các trường quốc tế. Đây là những người có điều kiện, hết sức quan tâm tới vấn đề con cái, sức khỏe, người thân. Với những người khó khăn, tội phạm sẽ đánh vào ham muốn về kinh tế, đưa là cái chiêu bài việc nhẹ lương cao, làm bán thời gian tăng thu nhập…
Tuy vậy, ông Khánh chỉ ra rằng kịch bản này vẫn có nhiều sơ hở. Ông dẫn chứng, quy định của ngành giáo dục đều chú trọng vấn đề quản lý học đường, nhà trường thường sẽ phân công giáo viên chủ nhiệm kết nối thường xuyên với phụ huynh, do đó khi có sự việc bất thường xảy ra sẽ có nguồn thông tin chính thống. Ngoài ra, với những ca cấp cứu, bệnh viện sẽ không bắt buộc phải thanh toán ngay mà trọng tâm là cứu người. Việc can thiệp y học lớn thì buộc phải có chữ ký của người giám hộ chứ không phải dễ dàng để có thể chuyển tiền là thực hiện phẫu thuật ngay được.
Trước vấn đề tại sao kịch bản sơ hở nhưng vẫn có nhiều phụ huynh "sập bẫy", TS Khánh cho rằng nghe đến việc con bị tan nạn thì phụ huynh sẽ có tâm trạng lo lắng, sốt ruột dẫn đến chưa tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin.
"Trong trường hợp này, tội phạm thường hướng đến những phụ huynh có điều kiện kinh tế, con duy nhất, con cái hiếm muộn hoặc là phụ huynh có khát vọng lớn với con cái của mình. Các thủ đoạn, kịch bản được đưa ra có sự tinh vi, có tổ chức khi xây dựng các vai như giáo viên, bác sĩ, kế toán. Thậm chí có chuẩn bị cả âm thanh, hình ảnh để tạo niềm tin cho nạn nhân", TS Phan Đình Khánh phân tích.
Lộ thông tin cá nhân từ đâu?
Đây là câu hỏi được nhiều phụ huynh đặt ra sau khi nhận được cuộc gọi từ kẻ lừa đảo.
Trước những lo ngại của phụ huynh về mức độ bảo mật thông tin, đại diện Trường Quốc tế Á Châu cho biết đơn vị này đã thực hiện bảo mật thông tin học sinh theo quy định. Thông tin học sinh chỉ được cung cấp cho cơ quan quản lý theo chỉ đạo của ban ngành trong công tác quản lý đào tạo.
Về phía Sở GD&ĐT, Chánh Văn phòng sở Hồ Tấn Minh, cũng khẳng định mọi thông tin của phụ huynh, học sinh liên quan đến ngành giáo dục trên cơ sở dữ liệu ngành đều được bảo mật hết sức nghiêm túc. Ông Minh cũng cảnh báo phụ huynh cần hết sức thận trọng, cảnh giác khi chia sẻ các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, tránh để đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo.
TS Phan Đình Khánh nhận định rằng hiện có rất nhiều nguồn thông tin từ nhà trường, bạn bè, địa phương, ngân hàng, bệnh viện, giao dịch… Những kẻ lừa đảo có nhiều thủ pháp để lấy dữ liệu nên không có căn cứ nào để khẳng định thông tin cá nhân lộ ra từ đâu. Tuy nhiên, qua sự việc này, các cơ quan, tổ chức, trường học cũng cần thiết rà soát lại hệ thống bảo mật thông tin của mình.
Ông Khánh cho rằng phía phụ huynh, học sinh cần tỉnh táo hơn khi cung cấp và tiếp nhận các thông tin, cẩn trọng khi công khai thông tin, hình ảnh cá nhân, nhất là trên mạng xã hội.