Linh Ẩn tự, một ngôi chùa nổi tiếng rợp bóng cây ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc từ lâu đã thu hút đông đảo du khách thập phương tìm đến cầu duyên hoặc con cái.
Linh Ẩn tự ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Word Press |
Vào một buổi chiều gần đây, cây bút Chaguan của báo The Economist đã chứng kiến cảnh một bà mẹ và cô con gái tách khỏi một đoàn du lịch để đến thắp hương, cầu khấn trước tượng Phật Bà Quan âm tại Linh Ẩn tự trước khi vội vã quay lại chỗ hướng dẫn viên.
Trong nhiều thế kỷ trước, cầu nguyện là tất cả những gì mà nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là phụ nữ có thể làm vì họ bất lực về nhiều thứ trong cuộc sống. Hôn nhân từng là giao ước giữa các gia đình, thay vì tình yêu.
Gần như sau khi kết hôn, người phụ nữ phải chuyển đến sống ở nhà chồng. Ở đó, vai trò của họ là sinh ra con trai để nối dõi, thừa kế gia sản và chăm sóc cha mẹ khi tuổi cao, sức yếu.
Phụ nữ không thể sở hữu tài sản riêng và sau khi trao sính lễ cũng như của hồi môn, gia đình bố mẹ đẻ của họ được hưởng ít lợi ích đến mức con gái đã kết hôn được ví như “nước rơi rớt”.
Trung Quốc hiện đại đang trở nên cởi mở hơn về những gì tạo nên một gia đình tốt và vì những nguyên do chính đáng. Một cuộc điều tra dân số quốc gia công bố hôm 11/5 cho thấy, Trung Quốc đang già hóa nhanh chóng và là một trong những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, đồng nghĩa quy mô dân số của nước này sẽ sớm bị thu hẹp.
Mặc dù chính sách một con đã được điều chỉnh thành chính sách hai con đối với hầu hết người dân thành thị vào năm 2016 và sẽ được nới lỏng hơn nữa, nhưng tác động tiêu cực của nó vẫn sẽ tồn tại. Những đứa con một phải chăm sóc cha mẹ già cả mà không có anh chị em giúp đỡ, một lí do tại sao nhiều người trong số họ không muốn sinh con.
Vì Trung Quốc đang thiếu hàng triệu phụ nữ, rất nhiều nam thanh niên sẽ không bao giờ kết hôn. Nạn phá thai, chọn giới tính thai nhi bất hợp pháp kéo dài nhiều năm cũng làm sai lệch tỷ lệ sinh của Trung Quốc. Điều tra phát hiện cứ 111 bé trai sinh ra mới có 100 bé gái chào đời.
Với ít phụ nữ hơn, một người lạc quan có thể tưởng tượng rằng, phái đẹp sẽ có nhiều quyền lực hơn đối với người mà họ kết hôn. Hiện còn có những lí do khác khiến "tư tưởng trọng nam, khinh nữ" truyền thống có thể nhạt phai.
Trung Quốc là một nước ngày càng đô thị hóa và năng động. Khoảng 376 triệu người đang sống ở một thành phố hoặc thị trấn khác với nơi đăng ký hộ khẩu của họ.
Trung Quốc cũng có nền giáo dục tốt hơn, với hơn 200 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học. Hơn nữa, số sinh viên nữ đã đông hơn số sinh viên nam ở môi trường đại học kể từ năm 2009. Một thay đổi nữa là, các gia đình sở hữu nhà ở những thành phố lớn hơn đã trở nên giàu có sau thời kỳ bùng nổ bất động sản kéo dài hàng thập kỷ, đặc biệt nếu họ mua căn hộ cách đây ít nhất 20 năm.
Rất nhiều gia đình mới trở nên giàu có này chỉ sinh một con - một con gái và có nhiều tham vọng dành con. Một nghiên cứu quy lớn của Đại học Bắc Kinh cho thấy, các sinh viên nữ thường đến từ các gia đình giàu có ở thành phố lớn và theo học các môn nghệ thuật nhiều hơn nam giới. Các sinh viên nam có xu hướng đến từ các gia đình nghèo hơn, ở tỉnh lẻ và theo học các ngành khoa học hoặc kỹ thuật, phản ánh rằng gia đình hy vọng họ sẽ tìm được các công việc kỹ thuật được trả lương cao.
Không khó để tìm thấy những phụ nữ thành thị có học thức, đòi hỏi nhiều quyền lợi hơn trong cuộc sống của họ. Tại Linh Ẩn tự ở Hàng Châu, tác giả Chaguan gặp một cặp đôi có khuôn mặt tươi tắn bước ra từ ban thờ Phật Bà Quan Âm và hỏi họ ước gì. “Tôi đã cầu nguyện rằng chúng tôi sẽ vượt qua được thử thách của thời gian. Tôi không biết anh ấy thế nào”, cô gái Chen Jiajia trả lời, bẽn lẽn khi nhìn dò xét bạn trai của cô - Chen Jingsheng.
Cả hai năm nay 25 tuổi. Họ gặp nhau tại trường trung học ở phía nam tỉnh Quảng Đông và đã bên nhau được 7 năm. Anh Chen nói, hầu hết phụ nữ đều mong đợi một người đàn ông có căn hộ chung cư trước khi kết hôn. Đó là áp lực lớn ở một thành phố đắt đỏ như Quảng Châu, nơi anh đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Là người gốc ở thành phố nhỏ Mễ Châu, Chen thiếu hộ khẩu Quảng Châu, một trở ngại khác với anh trong việc mua bất động sản. Trong khi cô Chen có hộ khẩu Quảng Châu và gia đình cô đã giúp cặp đôi mua một căn hộ. “Họ nhìn thấy tiềm năng ở anh ấy, họ nghĩ rằng anh ấy có định hướng. Nếu anh ấy không như vậy, cha mẹ tôi sẽ không ủng hộ chúng tôi theo cách này”, cô Chen, người làm việc trong lĩnh vực thương mại điện tử, giải thích.
Điều ít dự đoán được là, các xu hướng xã hội như trên đang mang lại sự chú ý mới tới một truyền thống cũ: ở rể. Li Jiyan, một người mai mối đến từ quận Tiêu Sơn thuộc Hàng Châu, chuyên tìm kiếm các sinh viên tốt nghiệp từ các tỉnh nghèo hơn để kết hôn với những phụ nữ sở hữu bất động sản tại thành phố của ông.
Văn phòng của Li chật kín hồ sơ và có treo những bức ảnh được đóng khung, ghi lại cảnh ông đang được các đài truyền hình và báo Trung Quốc phỏng vấn về 1.000 cuộc hôn nhân mình từng đứng ra dàn xếp kể từ năm 1999.
Những nam giới trong danh sách tuyển chọn của ông phải tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc đại học, kiếm được 100.000 Nhân dân tệ (hơn 358 triệu) mỗi năm và cao trên 1m7. Về cơ bản, họ không cần phải sở hữu bất động sản ở Hàng Châu.
Ông Li đang bận bịu, nhận các cuộc điện thoại từ những khách hàng tiềm năng và từ chối một chàng trai trẻ mới bước vào nhưng thiếu bằng đại học. “Đừng bỏ cuộc”, ông gọi với theo chàng trai trông chán nản.
Theo ông Li, bằng cách đón nhận một người ngoại tỉnh nghèo, các gia đình có được một chàng rể nghe lời và những đứa con mang tên mẹ chúng.
Doanh nhân này nói thêm, “những chàng trai ngoại tỉnh” sẽ nhận những công việc khiêm tốn như lái xe tay ga giao hàng nếu không kiếm được việc đúng chuyên ngành học sau khi tốt nghiệp. Mặc dù bản thân ca ngợi những nam giới tự lập, nhưng mô hình kinh doanh của ông Li thực sự dựa trên sự bất bình đẳng.
Vợ ông Li nhấn mạnh, chẳng người đàn ông có nhà riêng nào lại đi ở rể. Vợ ông cũng từng nhận xét rằng, không có ông chủ nhà nào lại đi ở rể nhà khác. Cặp đôi tính phí 15.000NDT (gần 54 triệu đồng) cho 2 năm mai mối. Nếu quá trình đó thất bại, luôn có lời cầu nguyện.