Lý do người bị lupus ban đỏ cần cẩn trọng khi phẫu thuật thẩm mỹ

Thanh Hà| 26/10/2023 21:08

Tiến sĩ thẩm mỹ Tống Hải khuyến cáo, người mắc căn bệnh lupus ban đỏ không nên làm các can thiệp lớn có đặt chất liệu, làm nhiều phẫu thuật một lúc, thời gian mổ kéo dài.

Lý do người bị lupus ban đỏ cần cẩn trọng khi phẫu thuật thẩm mỹ
Tiến sĩ thẩm mỹ Tống Hải, Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội). Ảnh: BSCC

Tiến sĩ thẩm mỹ Tống Hải - Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội) - cho biết, trước khi thực hiện phẫu thuật dù là tiểu phẫu, các bác sĩ đều phải hỏi bệnh sử của người bệnh rất kỹ để đảm bảo an toàn và kiểm soát được nếu có vấn đề xảy ra.

Với các trường hợp có sẵn bệnh lý, bác sĩ càng cần phải cẩn trọng và đưa ra lời khuyên cho người bệnh. Trước thắc mắc người bị lupus ban đỏ có nên phẫu thuật thẩm mỹ, Tiến sĩ Tống Hải khuyến cáo, bệnh nhân không nên làm các can thiệp lớn có đặt chất liệu, làm nhiều phẫu thuật một lúc, thời gian mổ kéo dài. Đặc biệt, nếu đang trong giai đoạn cấp bùng phát, bệnh nhân lupus ban đỏ tuyệt đối không được phẫu thuật thẩm mỹ.

“Nếu trong thời kỳ bệnh ổn định, bệnh nhân có thể làm các phẫu thuật thẩm mỹ như cắt mí, nâng cung mày, nâng mũi (chất liệu độn sinh học), hút mỡ một vài vùng. Tôi cũng từng phẫu thuật thẩm mỹ cho bệnh nhân lupus ban đỏ trong giai đoạn ổn định và dùng thuốc đều nhưng chỉ làm tiểu phẫu cắt mí” - Tiến sĩ Tống Hải nói.

Trong trường hợp bệnh nhân vừa phẫu thuật thẩm mỹ xong thì thấy dấu hiệu của lupus ban đỏ, chuyên gia này khuyến cáo cần bình tĩnh.

Bệnh nhân cần được theo dõi để đánh giá mức độ bệnh, sử dụng các thuốc giảm đau (nếu có đau), thuốc bảo vệ gan thận. Đồng thời kết hợp các thuốc corticoid, có thể kết hợp thuốc chống viêm, ức chế miễn dịch liều thấp… theo ý kiến của chuyên gia chuyên khoa sâu.

Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn mạn tính có thể ảnh hưởng tới nhiều bộ phận của cơ thể. Triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện ở nhiều cơ quan như ở da là các ban đỏ hình cánh bướm, nốt ban dạng đĩa ngón tay, bàn tay... Người bệnh có thể bị rụng tóc, vàng tóc, gãy tóc, loét niêm mạc, tràn dịch màng ngoài tim, sưng đau khớp, rối loạn kinh nguyệt, thiếu máu, viêm thận…

Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch, thường giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và bệnh tật, tấn công các mô của chính mình. Cuộc tấn công này gây viêm và dẫn đến tổn thương mô vĩnh viễn trong một số trường hợp.

Bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nặng như ban đỏ cánh bướm, viêm thận lupus, viêm tủy ngang, hội chứng Raynaud co thắt mạch chi thể, thiếu máu huyết tán tự miễn, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì, viêm đa cơ....

"Hiện chưa có biện pháp điều trị hoàn toàn được bệnh lupus ban đỏ cũng như các căn bệnh tự miễn khác, song điều trị sớm và tích cực vẫn giúp người bệnh kiểm soát tốt. Khi kiểm soát được triệu chứng, bệnh nhân vẫn có sức khỏe và cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý các triệu chứng lupus ban đỏ nghiêm trọng ở tim, phổi, thận và các cơ quan khác có thể gây biến chứng" - Tiến sĩ Hải nói.

Theo Tiến sĩ Tống Hải, ngoài lupus ban đỏ, những người mắc các bệnh sau không nên phẫu thuật thẩm mỹ:

- Người mắc các bệnh lý tim mạch, hô hấp nặng như suy tim, tăng huyết áp (dùng nhiều thuốc), viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, hen.... Việc phẫu thuật thẩm mỹ sẽ gây gánh nặng cho tim, phổi.

- Người mắc các bệnh chuyển hóa như gút, đái tháo đường khó kiểm soát, vì có thể khiến vết thương khó lành.

- Người bị suy chức năng gan, xơ gan cổ chướng, suy thận lọc máu.

- Người thiếu máu, rối loạn các yếu tố đông máu hoặc người phải dùng thuốc chống đông kéo dài.

- Người đang mắc bệnh ung thư tại cơ quan muốn phẫu thuật.

- Người mắc các bệnh hệ thống trong đợt bùng phát, bệnh suy giảm miễn dịch.

- Người già yếu hoặc phụ nữ đang cho con bú.

- Người tâm thần.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Lý do người bị lupus ban đỏ cần cẩn trọng khi phẫu thuật thẩm mỹ
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO