Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hải - Trưởng khoa tim mạch - tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, mới đây nhất, bệnh viện tiếp nhận một nam thanh niên khoảng 30 tuổi.
Bệnh nhân làm nghề lái xe, có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm. Trước khi nhập viện, bệnh nhân có uống khoảng 500ml bia rượu cùng bạn bè. Khi về nhà khoảng 30 phút, bệnh nhân xuất hiện đau co thắt lồng ngực và được đưa đi cấp cứu.
Bệnh nhân đến viện vào giờ thứ 2 của cơn nhồi máu cơ tim. Ngay lập tức, bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu. Các bác sĩ phát hiện có tình trạng tắc mạch ở tim và tiến hành thông mạch.
"Gần đây, bệnh lý tim mạch đang trẻ hóa và các nghiên cứu cũng cho thấy, ngoài các yếu tố nguy cơ truyền thống như huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá… thì hiện nay ở người trẻ có thêm các yếu tố nguy cơ là căng thẳng, thức khuya, béo phì" - bác sĩ Hải cho hay.
Trong các báo cáo tổng kết về bệnh lý tim mạch trong 30 năm vừa qua cho thấy, các yếu tố tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở các nước đang phát triển.
Trong đó, ngoài những yếu tố nguy cơ về lối sống như hút thuốc lá, lười vận động, béo phì... hiện nay, các chuyên gia tim mạch cũng khẳng định những yếu tố nguy cơ mới. Đó là các nguy cơ như ô nhiễm môi trường, stress (căng thẳng).
Những thông tin trên được GS.TS Phạm Mạnh Hùng -Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam - chia sẻ tại hội nghị quốc tế cập nhật những tiến bộ trong can thiệp tim mạch tại Việt Nam và trên thế giới tổ chức ngày 10.8, tại Hà Nội.
"Đối với người trẻ, nhiều người bệnh có yếu tố tích lũy nguy cơ sớm hơn. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do ăn uống đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, công việc stress, ô nhiễm môi trường hơn và lười vận động" - GS Hùng nói.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, GS Hùng cho hay: Tại Viện Tim mạch, có những ca bệnh khi được tiếp nhận chỉ hơn 20 tuổi. Đa số trường hợp đột tử ở người trẻ là do nhồi máu cơ tim, nằm trong nhóm nam giới hút thuốc lá, béo phì, hoặc có yếu tố gia đình.
Bên cạnh đó, không ít người trẻ bị đột tử trong quá trình chơi thể thao, chạy bộ. Theo GS Hùng, nguyên nhân đa số các trường hợp này đều có liên quan đến bệnh tim mạch.
GS Hùng nêu rõ, bệnh tim mạch thường gặp ở đối tượng trẻ là bệnh cơ tim phì đại bẩm sinh, rối loạn điện tim mà bình thường người bệnh vẫn phải sống chung với bệnh. Tuy nhiên, khi gắng sức, nhất là chạy marathon hay chơi thể thao quá sức dẫn đến mất nước, mất điện giải, rối loạn nhịp tim gây tử vong.
Bên cạnh đó, nhiều người trẻ cũng có xơ vữa động mạch, khi gắng sức quá mức dẫn đến đứt vỡ động mạch gây nhồi máu cơ tim.
"Để phát hiện bệnh sớm, người dân nên khám sức khỏe định kỳ. Một số dấu hiệu trên điện tâm đồ, siêu âm tim sẽ giúp các bác sĩ phát hiện những nguy cơ mắc bệnh" - GS Hùng khuyến cáo.Các bác sĩ cũng khuyến cáo người trẻ cần thực hiện lối sống lành mạnh, không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc lá, duy trì chế độ tập luyện thể thao đều đặn và khám sức khỏe định kỳ để phòng tránh các bệnh lý tim mạch.