Lý do khiến giới trẻ ở đất nước tỷ dân ngày càng hà tiện

23/07/2022 15:22

Thay vì vung tay chi tiêu, giới trẻ Trung Quốc có xu hướng tăng số tiền tiết kiệm do lo sợ kinh tế bất ổn và nạn thất nghiệp.

Lo sợ về tình trạng tài chính bấp bênh, nhiều người trẻ tuổi ở Trung Quốc đang chuyển sang tiết kiệm hơn 50% khoản thu nhập hàng tháng để “đối phó trước những tình huống khẩn cấp” như thất nghiệp và bệnh tật.

Theo kết quả khảo sát mới được công bố hôm 19/7, tốc độ phát triển kinh tế trì trệ do tác động kéo dài của dịch bệnh Covid-19 đang phủ bóng lên triển vọng thu nhập và nghề nghiệp trong tương lai, từ đó làm nghiêng cán cân từ chi tiêu sang tiết kiệm.

Lý do khiến giới trẻ ở đất nước tỷ dân ngày càng hà tiện
Giới trẻ Trung Quốc thắt chặt chi tiêu để tiết kiệm tiền do lo sợ bất ổn tài chính và thất nghiệp. (Ảnh: VCG)

Khảo sát của nền tảng thông tin công nghệ trực tuyến youth36Kr với 2.200 người dưới 40 tuổi sinh sống trên toàn lãnh thổ Trung Quốc cho thấy, 6,9% trả lời họ không có khoản tiết kiệm, trong khi 40% nói họ tiết kiệm tiền lương hàng tháng.

“Tỷ lệ tiết kiệm sẽ còn gia tăng khi thu nhập của tôi tăng lên”, anh Li Mingyang, thực tập sinh tại một công ty chứng khoán ở thành phố Thâm Quyến, cho biết mỗi tháng tiết kiệm 30% khoản tiền lương.

Anh Li, người vừa tốt nghiệp và nhận bằng Thạc sĩ tài chính trong năm nay, vẫn duy trì một phần tiền tiết kiệm để trong tài khoản ngân hàng, và số còn lại dùng để mua vàng cùng các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với hy vọng nhận về số tiền cao hơn.

“Dịch bệnh Covid-19 càng làm tăng tâm lý cần chuẩn bị của tôi. Tôi phải tiết kiệm tiền để phòng trường hợp khẩn cấp như thất nghiệp và bệnh tật. Tôi cũng phải tiết kiệm để còn mua ô tô và nhà”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời anh Li.

Trong nhóm những người tiết kiệm tiền hàng tháng có 29,5% tiết kiệm 30 – 50% khoản thu nhập hàng tháng, 27,1% tiết kiệm từ 10 – 30% thu nhập mỗi tháng và 27,4% tiết kiệm trên 50% thu nhập hàng tháng.

Đáng nói, gần 87% người tham gia khảo sát của youth36Kr thuộc thế hệ Gen Y và Gen Z tức những người sinh trong khoảng thời gian từ năm 1981 – 2012 và  vốn được xem là nhóm chiếm phần lớn trong thế hệ tiêu dùng ở Trung Quốc. Nhưng nay, nhóm này lại chuyển sang chi tiết ít hơn để tiết kiệm nhiều hơn.

“Tôi bắt đầu cảm thấy bất ổn từ tháng Ba, thời điểm một số người bạn và đồng nghiệp của tôi bất ngờ bị thất nghiệp", cô Jenny Luo (25 tuổi) làm nhân viên bán hàng ở thành phố Quảng Châu chia sẻ.

“Chuyện này khiến tôi cảnh giác trước nguy cơ bị mất việc và khiến tôi bắt đầu hà tiện hơn”, cô Luo nhấn mạnh.

Trên thực tế, 1/5 người trẻ trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc bị thất nghiệp vào tháng trước, giữa lúc tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi từ 16 – 24 ở đất nước tỷ dân rơi vào mức cao kỷ lục là 19,3% trong tháng Sáu, khi mà số lượng sinh viên tốt nghiệp Đại học tham gia thị trường việc làm ở Trung Quốc cũng đạt kỷ lục là 10,76 triệu người trong năm nay.

Cô Luo nói thêm trước đây cô và những người bạn đặt mua trà sữa hàng ngày, nhưng nay họ hạn chế xuống chỉ 1 lần/tuần.

Khảo sát hàng quý mới nhất được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố cũng cho thấy, tỷ lệ kỷ lục 58,3% người được hỏi cho biết muốn tiết kiệm thêm tiền trong quý II năm nay, khi mà nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 0,4% so với năm trước.

“Chứng kiến số tiền trong tài khoản tăng thêm một chút khiến tôi cảm thấy an tâm hơn cho tương lai của mình”, anh Zhang Luting, người mới tốt nghiệp và đang làm phiên dịch viên cho một tổ chức phi chính phủ ở Hong Kong, cho hay.

Anh Zhang hiện tiết kiệm gần 40% tiền lương hàng tháng dù chi phí sống một mình ở Hong Kong đang tăng cao.

Điều tra của youth36kr còn cho thấy, 17% người tham gia khảo sát đánh giá tình hình tài chính của họ hiện vô cùng tồi tệ, 47,5% cho biết họ đủ tiền để sống.

Chỉ hơn 10% nói số tiền tiết kiệm của họ đủ để sống một tháng nếu bất ngờ bị mất việc làm, còn 22,4% có tiền tiết kiệm đủ tiền sống 6 tháng và 18,1% đủ tiền để sống từ 6 – 12 tháng.

Anh Ji Xu (24 tuổi), một nhân viên ngân hàng ở Thiên Tân, cho hay hiện bản thân tiết kiệm 50% tiền lương hàng tháng để mua các sản phẩm tài chính, do đang sống cùng với bố mẹ.

“Ngoài chí phí cho cuộc sống xã hội hàng ngày, tôi sẽ tiết kiệm tiền lương và dự phòng cho tương lai. Trên hết, ai là người không muốn có càng nhiều tiền càng tốt?”, anh Ji tâm sự.

Minh Thu (lược dịch)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lý do khiến giới trẻ ở đất nước tỷ dân ngày càng hà tiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO