Lý do ít ai ngờ khiến Nhật Bản rơi vào tình trạng thiếu gạo

29/08/2024 09:09

Tình trạng thiếu gạo gần đây đã xảy ra trên khắp Nhật Bản và giá gạo đang tăng vọt. Nhưng gần 100% gạo của Nhật Bản được sản xuất trong nước và năng suất mùa màng có vẻ bình thường, vậy tại sao điều này lại xảy ra?

Chú thích ảnh
Các kệ gạo trống rỗng tại một siêu thị ở Yokohama, Nhật Bản, ngàu 28/8/2024. Ảnh: Stars and Stripes

Tờ Mainichi Shimbun (Nhật Bản) đã trao đổi với ông Kazuhito Yamashita, cựu quan chức tại Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản và là giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Toàn cầu Canon, về bối cảnh biến động của gạo, làm sáng tỏ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Tại sao Nhật Bản lại thiếu gạo và tại sao giá lại cao?

Theo ông Yamashita, một số người cho rằng nguyên nhân là do mùa màng thất bát do mùa hè nóng nực năm ngoái hoặc do lượng khách du lịch đến tăng, nhưng cả hai yếu tố này đều không phải là lý do chính.

Chỉ số tình hình mùa màng đối với lúa được trồng vào năm 2023, cho thấy lượng lúa thu hoạch được, ở mức 101 -- gần bằng một năm trung bình. Để so sánh thì chỉ số tình hình mùa màng năm 1993, dẫn đến cái gọi là "cuộc bạo loạn lúa gạo thời Heisei", là 74. Một số người cho rằng vụ thu hoạch thất bát đối với lúa chất lượng cao đã gây ra tình trạng thiếu hụt, nhưng thực tế thì vụ thu hoạch nhìn chung không tệ.

Về ý kiến ​​cho rằng du khách đến Nhật Bản đang tiêu thụ nhiều hơn, theo ông Yamashita, không thể nói rằng đây là yếu tố chính. Ngay cả khi có khoảng 3 triệu du khách ở lại Nhật Bản một tuần mỗi tháng và ăn cơm ba bữa như nhiều người Nhật khác, thì lượng cơm này vẫn chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng lượng tiêu thụ. Và thực tế là không có nhiều du khách ăn cả ba bữa cơm một ngày, vì vậy lượng tiêu thụ của họ còn thấp hơn nữa.

Vậy thì nguyên nhân chính là gì?

Chuyên gia Yamashita cho rằng, lý do sâu xa gây thiếu gạo là do chính sách thu hẹp diện tích đất canh tác, làm giảm lượng đất dành cho canh tác. Theo chính sách thu hẹp diện tích đất, sản lượng gạo bị cắt giảm để tăng giá thị trường và chính phủ trợ cấp cho những người nông dân trồng lúa chuyển sang các loại cây trồng khác như lúa mì hoặc đậu nành. Nhật Bản đã tiếp tục chính sách này trong hơn 50 năm.

Do nhu cầu tiêu thụ bánh mì, mì ống và các loại thực phẩm thay thế gạo khác đang tăng lên, nếu nông dân sản xuất cùng một lượng gạo như trước đây, sẽ có thặng dư, khiến giá gạo giảm. Để tránh tình trạng như vậy, sản lượng đã bị cắt giảm qua từng năm và gần đây chỉ có khoảng 60% diện tích ruộng lúa được sử dụng, số còn lại nằm trong chính sách giảm diện tích. Do đó, sản lượng đã được duy trì ở mức dưới một nửa so với mức đỉnh điểm là 14,45 triệu tấn mỗi năm.

Do sản lượng được quản lý chặt chẽ nên ngay cả khi nhu cầu tăng nhẹ, chẳng hạn như từ khách du lịch đến, thì tình trạng này có thể nhanh chóng dẫn đến tình trạng thiếu hụt và giá cả tăng vọt. Đây chính là bản chất của những gì đang diễn ra hiện nay.

Chuyên gia Yamashita cho rằng không có quốc gia nào duy trì chính sách giảm diện tích trồng trọt lâu như Nhật Bản. Mỹ và Liên minh châu Âu đã tạm thời đưa ra chính sách như vậy khi có thặng dư mùa màng để duy trì giá. Nhưng bây giờ tất cả họ đã ngừng làm việc này. Đó là vì họ biết rằng sản xuất nhiều hơn và xuất khẩu mang lại lợi ích lớn hơn.

Theo ông, Nhật Bản cũng nên bãi bỏ hoàn toàn chính sách cắt giảm diện tích trồng lúa, sản xuất nhiều lúa hơn và tích cực xuất khẩu. Điều này cũng sẽ làm tăng tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực.

Gạo Nhật Bản có cạnh tranh được trên trường quốc tế không?

Ông Yamashita cho biết, mọi người trên khắp thế giới đều nói: "Đây là loại gạo ngon nhất thế giới, vậy tại sao không xuất khẩu nhiều hơn?".

Các quan chức nông nghiệp Nhật Bản thường bình luận "Chúng ta không thể cạnh tranh với gạo giá rẻ được sản xuất tại Thái Lan và những nơi khác", nhưng thực tế không phải vậy. Giống như bạn có xe hơi sang trọng và xe hơi thông thường, có nhiều loại gạo khác nhau. Xe hơi sang trọng sẽ vẫn cạnh tranh tốt với xe hơi thông thường ngay cả khi giá cao hơn.

Rolls-Royce của Anh là một loại xe siêu sang trọng và gạo Nhật Bản cũng nên được tiếp thị như “Rolls-Royce của gạo”, vì vậy không cần phải cạnh tranh với gạo rẻ hơn. Trên thực tế, tại California, gạo Koshihikari sản xuất tại tiểu bang này hiện đang được bán với giá cao hơn so với giá tại các siêu thị Nhật Bản.

Về mặt an ninh lương thực, điều quan trọng là phải tăng sản lượng gạo, đúng không?

Ông Yamashita cho biết, Nhật Bản hiện thu hoạch chưa đến 7 triệu tấn gạo mỗi năm, nhưng nếu bãi bỏ chính sách diện tích trồng lúa và đưa vào các giống lúa năng suất cao, nước này sẽ có khả năng sản xuất 17 triệu tấn/năm. Nếu sản lượng như vậy và xuất khẩu 10 triệu tấn, thì sẽ có lợi ích an ninh rất lớn.

Tình trạng thiếu hụt gạo và giá cao có khả năng tái diễn trong tương lai không?

Chuyên gia Yamashita  cho rằng, chừng nào chính sách giảm diện tích trồng lúa vẫn được áp dụng, thì những tình huống tương tự sẽ lại xảy ra. Đó là vì Nhật Bản duy trì một môi trường mà ngay cả một động thái nhỏ trong tiêu dùng cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt gạo.

Ngày nay, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với lượng xuất khẩu đạt 10 đến 20 triệu tấn mỗi năm. Nếu Nhật Bản bãi bỏ hoàn toàn việc giảm diện tích trồng lúa và xuất khẩu 10 triệu tấn mỗi năm, nước này sẽ trở thành một trong những nhà cung cấp gạo lớn nhất thế giới và cũng có thể đóng góp vào an ninh lương thực toàn cầu.

Theo baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/the-gioi/ly-do-it-ai-ngo-khien-nhat-ban-roi-vao-tinh-trang-thieu-gao-20240828231329407.htm
Copy Link
https://baotintuc.vn/the-gioi/ly-do-it-ai-ngo-khien-nhat-ban-roi-vao-tinh-trang-thieu-gao-20240828231329407.htm
Bài liên quan
  • Giá lúa gạo hôm nay (27-8): Tăng nhẹ
    Giá lúa gạo hôm nay (27-8) tại thị trường trong nước tăng nhẹ với mặt hàng gạo. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 Hè Thu lên mức 11.450 - 11.600 đồng/kg, tăng 50 - 150 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 lên mức 13.450 - 13.550 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lý do ít ai ngờ khiến Nhật Bản rơi vào tình trạng thiếu gạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO