Theo báo Deutsche Welle, trả lời chất vấn trước quốc hội ngày 3/7, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết: "Theo quan điểm của tôi, lệnh ngừng bắn liên quan đến việc Ukraine đầu hàng là điều mà Đức không bao giờ ủng hộ".
Nhà lãnh đạo Đức lập luận, các điều khoản đình chiến của Nga sẽ dẫn đến việc Ukraine đầu hàng.
"Nga chỉ nói về đàm phán hòa bình để tiếp tục xung đột. Chúng tôi sẽ không cho phép điều này", Thủ tướng Scholz bình luận.
Thủ tướng Scholz cũng khẳng định, Đức sẽ không trở thành một bên tham chiến ở Ukraine. "Tôi có thể cam kết điều này với tư cách Thủ tướng Đức", ông nhấn mạnh.
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu ra một số điều kiện trước khi bắt đầu bất cứ cuộc đàm phán hòa bình nào với Ukraine. Ông cho biết, Moscow sẽ ra lệnh ngừng bắn ngay khi Kiev rút quân khỏi 4 vùng lãnh thổ (gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia) đã tuyên bố sáp nhập vào Nga, và chính thức tuyên bố không theo đuổi gia nhập NATO.
Ngoài ra, các điều kiện hòa đàm còn bao gồm phương Tây dỡ bỏ tất cả lệnh trừng phạt Nga, và việc "phi quân sự hóa, phi phát xít hóa" chính quyền Ukraine cũng phải xảy ra trước khi các bên ký kết thỏa thuận hòa bình.
Tuần này, trong chuyến thăm bất ngờ tới Kiev, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng hối thúc chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chấp nhận một lệnh ngừng bắn với Nga để đẩy nhanh các cuộc đàm phán hòa bình.
Trước chuyến đi, ông Orban nói rằng ông hy vọng có thể giải thích với ông Zelensky rằng "thời gian không còn nhiều và điều quan trọng là phải thiết lập hòa bình vì hàng trăm binh sĩ đang thiệt mạng trên mặt trận mỗi ngày và Hungary không nhìn thấy giải pháp nào có thể thực hiện trên chiến trường".
Tuy nhiên, ông Zelensky đã bác bỏ ý tưởng đó. Thủ tướng Orban cho biết, nhà lãnh đạo Ukraine có một số nghi ngờ về đề xuất ngừng bắn vì Kiev từng có "trải nghiệm tồi tệ liên quan đến lệnh ngừng bắn với Nga". Theo ông, lệnh ngừng bắn không mang lại lợi ích cho Ukraine.
Sau cuộc gặp giữa ông Orban và ông Zelensky, giới chức Ukraine khẳng định nước này sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột dựa trên "công thức hòa bình" 10 điểm của Tổng thống Zelensky.
Ông Andriy Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelensky, nêu rõ: "Chúng tôi chưa sẵn sàng thỏa hiệp vì những điều và những giá trị rất quan trọng như độc lập, tự do, dân chủ, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền".
Công thức hòa bình được Tổng thống Zelensky đưa ra cuối năm 2022 kêu gọi Nga rút hết quân khỏi các vùng lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền, và Moscow phải bồi thường chiến tranh.
Tuy vậy, Moscow đã bác bỏ đề xuất này và nhấn mạnh, bất cứ hòa đàm nào đều phải dựa vào "thực tế trên thực địa".