Lý do đặc biệt khiến Nga chỉ trích kế hoạch tái vũ trang, hiện đại hóa quân đội trị giá 100 tỷ Euro của Đức?

Chu Văn| 04/06/2022 13:42

Truyền thông Đức ngày 3/6 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lên tiếng chỉ trích việc Đức phê chuẩn quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ Euro cho quân đội Đức.

Lý do đặc biệt khiến Nga chỉ trích kế hoạch tái vũ trang, hiện đại hóa quân đội trị giá 100 tỷ Euro của Đức?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. (Nguồn: Sputnik)

Theo bà Zakharova, Moscow đánh giá kế hoạch của chính phủ Đức chi 100 tỷ Euro cho quân đội liên bang nước này là "một sự xác nhận nữa cho thấy Berlin đang trên đường tái vũ trang một lần nữa... Tiếc rằng, lịch sử đã cho thấy việc đó có thể kết thúc như thế nào".

Theo truyền thông Đức, chỉ trích việc "tái vũ trang" này là muốn ám chỉ tới chương trình tái vũ trang của Đức Quốc xã trong những năm 1930 dưới thời trùm phát xít Adolf Hitler.

Trong khi đó, Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) Lars Klingbeil đã bác bỏ cảnh báo về việc quân sự hóa chính sách đối ngoại của Đức liên quan việc chi thêm hàng tỷ USD cho quân đội liên bang.

Ông cho rằng, chính sách đối ngoại trái lại cần nhiều ngoại giao, luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương và cam kết về một nền hòa bình hơn. Theo ông, chiến dịch quân sự mà Nga phát động ở Ukraine đã gây ra nỗi hoảng sợ ở Đức và đó là lý do tại sao 100 tỷ dành cho quân đội Đức là một cam kết rõ ràng với người dân, rằng chính phủ sẽ đảm bảo để đất nước có thể được bảo vệ bất cứ lúc nào.

Trước đó, tối 29/5, Thỏa thuận giải ngân 107 tỷ USD để tạo một khoản ngân sách đặc biệt nhằm hiện đại hóa quân đội đã được thông qua sau nhiều tuần đàm phán khó khăn giữa các đảng trong chính phủ liên minh và phe bảo thủ đối lập của cựu thủ tướng Angela Merkel. Điều này giúp chính phủ Đức lập ngân sách đặc biệt cho các hợp đồng mua sắm quân sự và đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng tương đương 2% GDP do NATO đặt ra.

Khoản tiền sẽ được lấy từ các khoản vay bổ sung và không nằm trong ngân sách quốc gia, buộc chính phủ Đức điều chỉnh quy định kiềm chế nợ công trong hiến pháp. Điều này buộc chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz cần sự ủng hộ của phe đối lập bảo thủ để đạt tối thiểu hai phần ba phiếu ủng hộ tại quốc hội.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lý do đặc biệt khiến Nga chỉ trích kế hoạch tái vũ trang, hiện đại hóa quân đội trị giá 100 tỷ Euro của Đức?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO