Lý do COVID-19 gia tăng trở lại và mối lo ngại của chuyên gia

Thùy Linh| 20/08/2022 11:15

Hiện nay, miễn dịch của những người đã mắc COVID-19 và những đối tượng đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 đều đã giảm đi theo thời gian.

Lý do COVID-19 gia tăng trở lại và mối lo ngại của chuyên gia
Người dân đi khám các bệnh truyền nhiễm tại cơ sở y tế. Ảnh: PV

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tỉ lệ tử vong do không tiêm vaccine là 50%

Trong một tháng qua, đã có hơn 45.000 ca mắc COVID-19 mới trên toàn quốc. Trung bình 2.000 ca/ngày, riêng ngày 18.8 đã có trên 3.000 ca mắc. Xu hướng gia tăng ca mắc COVID-19 đã hiện rõ.

Tại Bệnh viện (BV) Trung ương Huế, trong số 30 ca đang điều trị, có 6 trường hợp nặng, nguy kịch, 5 ca thở máy.

BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, trong hơn 232 bệnh nhân nhập viện tháng 8 có đến 46% bệnh nhân trên 65 tuổi; số bệnh nhân chưa tiêm phòng vaccine điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chiếm 24,3%. Có 3 ca tử vong. Hiện tại, bệnh viện đang điều trị 123 ca, trong đó có 26 ca thở máy, 1 ca ECMO….

Riêng tại BV Chợ Rẫy, từ ngày 10.5-16.7.2022 không có ca bệnh nhân COVID-19 điều trị. Đến ngày 17.7 phát hiện ca COVID-19 đầu tiên trong bệnh viện. Từ ngày 18.7-17.8.2022: Có 32 bệnh nhân COVID-19 điều trị, trong đó có 31 ca nhập viện trong tháng 8.2022. Trong số các bệnh nhân này, có 19 bệnh nhân mức độ nặng/nguy kịch; tử vong 6 bệnh nhân.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, qua báo cáo của BV Chợ Rẫy, BV Trung ương (TƯ) Huế, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ nhận thấy, bệnh nhân nhiễm COVID-19 có xu hướng tăng, đặc biệt bệnh nhân nặng tăng lên rõ rệt trong những ngày đầu tháng 8.2022.

Do đó, cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác đối với các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh. Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Hội đồng chuyên môn tập huấn cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 cũng như theo dõi, xử trí đối với các ca từ nhẹ chuyển nặng, hạn chế tử vong.

Hiện các trường hợp nặng và tử vong chưa tiêm vaccine chiếm tỉ lệ 23-25% ở các tuyến; tại BV Chợ Rẫy, tỉ lệ tử vong do không tiêm vaccine là 50%.

Miễn dịch đã giảm đi theo thời gian

Lý giải nguyên nhân số ca COVID-19 mới, số bệnh nhân nặng có xu hướng gia tăng trở lại trong những ngày gần đây, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho rằng: "Hiện nay, miễn dịch của những người đã mắc COVID-19 và những đối tượng đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 đều đã giảm đi theo thời gian. Miễn dịch tự nhiên (do mắc COVID-19) và miễn dịch nhân tạo (do tiêm vaccine) đều là các miễn dịch không bền vững".

Theo PGS Phu, hiện nay, đa số người dân mắc COVID-19 cũng không xét nghiệm, không khai báo, vì vậy, số ca mắc trong cộng đồng có thể cao hơn nhiều con số thông kê được công bố hàng ngày. Nhưng, điều đáng lo ngại nhất là số bệnh nhân nặng phải nhập viện tăng lên, sẽ gây áp lực lên hệ thống y tế. 

"Người dân phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch cá nhân như đeo khẩu trang, sát khuẩn, cách ly với người nghi ngờ mắc COVID-19... Đặc biệt, phải bảo vệ những đối tượng nguy cơ như người già, người bệnh nền, người chưa tiêm vaccine, phụ nữ có thai, những người suy giảm miễn dịch..." - ông nói.

PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh nhiều lần việc tiêm vaccine vẫn là vũ khí hữu hiệu nhất để phòng chống COVID-19.

"Hiện nay, COVID-19 vẫn chưa trở thành bệnh lưu hành. Vì vậy, người dân cần được tiêm vaccine đủ liều, tiêm đủ các mũi cơ bản, mũi nhắc lại... theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, từ đó có thể phòng bệnh COVID-19 hiệu quả" - PGS Phu khẳng định.

Theo TS.BS Phạm Quang Thái - Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Việt Nam đã mở cửa, mọi người đã quay trở lại cuộc sống bình thường và chấp nhận một tỉ lệ mắc COVID-19 ở trong cộng đồng.

Tuy nhiên, để có thể hoàn toàn sống một cách thoải mái thì cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc bao phủ vaccine, có các phương án dự phòng để tránh các ổ dịch bùng phát cũng như tránh quá tải bệnh viện.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lý do COVID-19 gia tăng trở lại và mối lo ngại của chuyên gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO