Lý do có thể xem COVID-19 là bệnh đặc hữu thông thường

Thiều Trang| 04/03/2022 16:46

Theo nhiều chuyên gia y tế, đây chính là thời điểm Việt Nam bắt buộc phải tính đến việc chuyển trạng thái, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu thông thường.

Việt Nam nên xem COVID-19 là bệnh đặc hữu

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả, tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế - cho rằng, Việt Nam nên tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu bình thường, từ đó giảm gánh nặng cho Nhà nước.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh - cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết, Việt Nam có thể xem COVID-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường. Tuy nhiên, cần tiêm phủ vaccine và đặc biệt bảo vệ những người có nguy cơ diễn biến nặng nhằm giảm tỉ lệ tử vong.

Đề xuất thay đổi quan điểm về dịch bệnh để không bị khủng hoảng là ý kiến của bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Cụ thể, đây chính là thời điểm Việt Nam nên xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, tương tự các bệnh lý đường hô hấp do các virus khác gây nên.

Tại sao xem COVID-19 là bệnh đặc hữu thông thường?

Lý giải đề xuất thay đổi quan điểm về dịch bệnh, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, nhìn tổng thể bối cảnh chung trên toàn thế giới, đại dịch COVID-19 đã chuyển sang một giai đoạn hoàn toàn khác. Tại Việt Nam, có nhiều lý do để xem COVID-19 là bệnh đặc hữu thông thường.

Thứ nhất là vai trò của vaccine. Việt Nam nằm trong top 6 nước bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Chúng ta đã tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Như vậy, với diện phủ vaccine lớn như hiện nay thì với tất cả các biến chủng, số lượng bệnh nhân chuyển nặng và tử vong sẽ giảm.

Thứ hai, biến thể Omicron đang giữ vai trò chủ đạo ở Việt Nam. Theo đó, khả năng lây nhiễm của biến thể này cao hơn rất nhiều so với biến thể Delta, nhưng số chuyển nặng và tử vong không cao. Có thể thấy, với biến thể này không một hệ thống y tế nào trên thế giới có đủ sức để ngăn chặn, kể cả các quốc gia có nền y tế và tiềm lực kinh tế hùng mạnh như Mỹ, Anh, Nhật Bản... Vì vậy, bắt buộc phải tính đến việc chuyển trạng thái để thích ứng an toàn.

Thứ ba, số ca nhiễm tăng quá nhanh, khi biến thể Omicron đang tấn công ồ ạt, chúng ta sẽ đối mặt với khủng hoảng khan hiếm nghiêm trọng về kit xét nghiệm, thuốc điều trị, khủng hoảng nguồn nhân lực lao động và hệ thống y tế sẽ đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi quá tải. Trên thực tế, số bệnh nhân nhiễm COVID-19 có thể cao gấp 4-5 lần con số công bố do người bệnh không khai báo y tế.

Vì vậy, nên xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, trả COVID-19 về cho tuyến y tế điều trị. Theo đó, các bệnh viện đa khoa sẽ thành lập khoa COVID-19 hoặc ít nhất là đơn nguyên chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19. Công việc chẩn đoán và điều trị giao cho bác sĩ lâm sàng.

"Nếu chúng ta xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, đưa COVID-19 vào danh sách các bệnh lý đường hô hấp, cụ thể là do chủng virus SARS-CoV-2 gây nên thì ai có triệu chứng mới vào viện để điều trị, những trường hợp cần xét nghiệm mới xét nghiệm. Lúc bấy giờ tâm lý người dân sẽ ổn định và nhẹ nhàng đi qua đại dịch.

Với những yếu tố quan trọng trên, đây chính là thời điểm chúng ta nên chuyển trạng thái, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu" - bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn nhấn mạnh.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lý do có thể xem COVID-19 là bệnh đặc hữu thông thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO