Ngày 21/7, HĐND tỉnh Bình Dương khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra kỳ họp thứ 11 (kỳ họp giữa năm 2023).
Đây là ngày thứ 2 của kỳ họp với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, nâng cao cao chất lượng hoạt động của Trung tâm hành chính công tỉnh, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh.
Tại kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nhung đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chậm trễ cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài.
Trả lời câu hỏi của bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài. Trong đó có những nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Nguyên nhân chủ quan và khách quan
Ông Tài cho biết, có 4 nguyên nhân khách quan dẫn đến việc chậm trễ cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài.
Trong đó, Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có nhiều nội dung mới nhưng có nhiều nội dung bất cập, nhất là quy định về xác nhận kinh nghiệm làm việc, thời gian, các mẫu hồ sơ,... dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp.
Theo ông Trịnh Đức Tài, hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài ngày càng nhiều, bên cạnh đó Sở phải trả lời bằng văn bản những trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép lao động.
Việc xác minh, xác nhận các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có đúng theo hồ sơ đăng kí hay không mất rất nhiều thời gian, do phải làm kỹ và rút kinh nghiệm từ các vi phạm xảy ra trước đây.
Còn nhiều doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ, đầy đủ, thực hiện chưa đúng các quy định về cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có những hồ sơ nghi giả nên phải gửi các đơn vị, cơ quan xác minh, trả lại hồ sơ.
Về nguyên nhân chủ quan, ông Tài cho biết, phần mềm ứng dụng cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài đã xuống cấp, quy trình thực hiện các bước không còn phù hợp, dẫn đến việc chuyển quy trình chậm, cần phải sớm nâng cấp, thiết kế lại cho phù hợp.
Công tác phối hợp với các sở, ngành để chia sẻ dữ liệu, rà soát, kiểm tra, đối chiếu các thông tin về doanh nghiệp còn chưa đồng bộ, làm chậm trễ thời gian.
Phòng chuyên môn có nhiệm vụ tham mưu chính công tác cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài là phòng Chính sách lao động ít người nhưng thực hiện rất nhiều nhiệm vụ dẫn đến quá tải công việc.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ (đang dự thảo hướng mở).
Ngoài ra, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1498/QĐ-UBND ngày 12/6/2023 về việc ủy quyền tiếp nhận báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
Sắp xếp, bố trí đội ngũ thực hiện nhiệm vụ ngày càng chuyên nghiệp; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cấp phần mềm thực hiện quy trình các bước cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài khoa học hơn.
Tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài thực hiện đầy đủ, đúng quy định theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 20/2023/QĐ-UBND ngày 16/6 về việc phối hợp quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tiếp tục phối hợp các cơ quan, ban, ngành chia sẻ dữ liệu quản lý doanh nghiệp, xác nhận thông tin doanh nghiệp.
Tăng cường quản lý Nhà nước về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp có sử dụng người lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Sở sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và thực hiện tốt nhất việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời gian tới, nhất là khi Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ được điều chỉnh, bổ sung nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.