Bộ Y tế thông tin đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã trao đổi chặt chẽ và thường xuyên tham khảo ý kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nhà khoa học; học hỏi kinh nghiệm triển khai của các nước về việc tiêm chủng cho nhóm đối tượng này.
Bộ cũng theo sát thông tin vắc xin nào được tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 5-11 tuổi, những phản ứng có thể xảy ra. "Khi có vắc xin, chúng ta sẽ triển khai tiêm từng bước thận trọng chắc chắn, đảm bảo vấn đề an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu”, Bộ trưởng nói.
Hiện vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer đã được WHO chính thức cấp phép tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Hôm 5/2, Chính phủ đồng ý mua 21,9 triệu liều vắc xin Pfizer cho trẻ nhóm tuổi này; giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vắc xin, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.
Tới ngày 9/2, Bộ Y tế công bố kết quả khảo sát trực tuyến do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế tiến hành trên 415.000 phụ huynh có con dưới 12 tuổi tại 63 tỉnh, thành phố. Qua khảo sát, có 60,6% đồng ý tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ; 7,6% đồng ý nếu yêu cầu bắt buộc; 29,1% cân nhắc; 1,9% phụ huynh không đồng ý.
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, việc sử dụng vắc xin, đặc biệt là vắc xin cung ứng, cấp phép trong tình huống khẩn cấp cần chú ý tới vấn đề có cần thiết phải tiêm hay không.
Trẻ lứa tuổi 5-11 tuổi nếu tiêm vắc xin thì khi nhiễm sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn. Đã mắc Covid-19, dù ở lứa tuổi nào, bệnh cũng có các biểu hiện từ không triệu chứng, có triệu chứng đến nhập viện nặng, tử vong. Qua theo dõi, trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu Covid-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của Covid-19).
Thế giới cũng đã ghi nhận những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, viêm các cơ quan khác, là biểu hiện nghiêm trọng của bệnh. Ngoài ra, việc tiêm vắc xin không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm. Hiện nay, qua theo dõi biến chủng Omicron, việc lây nhiễm xảy ra nhiều hơn ở trẻ em, đặc biệt với nhóm chưa tiêm chủng.
"Vì vậy, việc tiêm chủng có ý nghĩa rất lớn, giúp hạn chế lây nhiễm cho trẻ và những người trong gia đình, đặc biệt là người có nguy cơ cao diễn tiến nặng, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Khi được tiêm chủng, trẻ cũng sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động", GS Lân nhấn mạnh.
Bệnh nhi Covid-19 điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương - Ảnh: Minh Tú
Về vắc xin Covid-19 tiêm cho trẻ, GS Lân cho biết, vắc xin được lựa chọn là Pfizer đã được WHO, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt. Số nước sử dụng tăng lên hằng ngày. Quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin cũng đã được thực hiện một cách thận trọng, bài bản, đầy đủ; lứa tuổi lớn (18 tuổi trở lên) thử nghiệm trước, sau đó đến lứa tuổi 12-17 rồi 5-11.
Bên cạnh đó, với chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong các chiến dịch tiêm ở nhóm trẻ em từ 5-11 tuổi.
"Hiện Bộ Y tế đang thúc đẩy sớm nhất để có vắc xin. Hy vọng khi có vắc xin, với kinh nghiệm tiêm chủng, các kế hoạch đã đưa ra, chúng ta sẽ tiêm sớm nhất để làm thế nào có miễn dịch bảo vệ trẻ", Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.
Theo PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng ban điều hành chương trình Tiêm chủng mở rộng, tới đây, Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức triển khai tiêm chủng cho lứa tuổi từ 5-11 tuổi, mục tiêu đạt độ bao phủ vắc xin, vừa đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Trước khi triển khai, cán bộ y tế tham gia công tác tiêm chủng một lần nữa được tập huấn về sử dụng vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, thực hành tiêm chủng cũng như hướng dẫn xử trí các phản ứng bất thường có thể xảy ra sau tiêm chủng.
Đồng thời, cán bộ y tế sẽ được tập huấn những nội dung tư vấn hướng dẫn cho cha mẹ, thầy cô giáo, học sinh… về theo dõi sức khỏe đúng cách sau tiêm để họ cùng tham gia đảm bảo an toàn tiêm chủng; phát hiện sớm nhất biểu hiện bất thường sau tiêm.
PGS Hồng cho hay, tới đây, việc tổ chức tiêm chủng sẽ được thực hiện tại trường học cho nhóm trẻ tới trường; các cháu không đi học sẽ tiêm tại các trạm y tế xã/ phường. Nhóm trẻ có bệnh lý mạn tính, bệnh nền, thể trạng béo phì… sẽ được tiêm chủng tại các bệnh viện nhằm đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Nguyễn Liên