Nhưng ở Mỹ, chỉ khoảng 20% dân số quan tâm tới lời khuyên đó. Khoảng 1/3 dân số Mỹ ăn hải sản mỗi tuần một lần, trong khi gần một nửa chỉ thỉnh thoảng ăn cá hoặc không ăn. Nhiều người không thích cá, số khác tránh hải sản vì lo lắng thủy ngân, dư lượng thuốc trừ sâu hoặc các chất độc khác có thể có trong một số loại cá.
Cá có nhiều loại phong phú, chế biến được đa dạng món nhưng vẫn có người không thích ăn. Ảnh: Lifehacker
Lợi ích của cá
Cá là một phần rất quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh. Cá và các loại hải sản khác là nguồn cung cấp chất béo omega-3 có lợi cho sức khỏe và cũng rất giàu chất dinh dưỡng khác như vitamin D, selen, giàu protein, ít chất béo bão hòa.
Có bằng chứng cho thấy ăn cá hoặc uống dầu cá tốt cho tim và mạch máu. Dựa trên 20 nghiên cứu với hàng trăm nghìn người tham gia, Giáo sư Dariush Mozaffarian và Eric Rimm của Trường Y tế Công cộng Harvard đã tính toán rằng ăn khoảng 2g axit béo omega-3, tương đương 200g cá béo mỗi tuần (cá hồi, cá trích, cá thu, cá cơm hoặc cá mòi) làm giảm 36% nguy cơ tử vong vì bệnh tim.
Chất béo omega-3 trong cá bảo vệ tim khỏi nguy cơ rối loạn nhịp tim, giảm huyết áp và nhịp tim, cải thiện chức năng mạch máu.
Nghiên cứu quan sát và thử nghiệm đều chứng minh chất béo omega-3 trong cá rất quan trọng cho sự phát triển tối ưu của não và hệ thần kinh của em bé.
Ăn cá một hoặc hai lần một tuần còn làm giảm nguy cơ đột quỵ, trầm cảm, bệnh Alzheimer và các tình trạng mạn tính khác.
Cá không thích hợp ăn cùng các sản phẩm từ sữa, trái cây họ cam quýt. Ảnh: India Times
Nguy cơ tiềm ẩn
Vô số chất ô nhiễm xâm nhập vào thực phẩm, cá cũng không ngoại lệ. Các chất gây lo lắng nhất hiện nay là thủy ngân, biphenyl polychlorin hóa (PCB), dioxin và dư lượng thuốc trừ sâu.
Hàm lượng thủy ngân rất cao có thể gây tổn thương dây thần kinh ở người lớn, làm gián đoạn sự phát triển của não và hệ thần kinh ở thai nhi hoặc trẻ nhỏ.
Mức thủy ngân trong một số loại cá khá thấp nhưng vẫn gây tranh cãi về mối liên quan đến những thay đổi trong quá trình phát triển hệ thần kinh và có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Ngoài ra, theo India Times, việc kết hợp cá với một số loại thực phẩm có thể gây ra các bất ổn tiêu hóa:
Sản phẩm từ sữa: Uống sữa hoặc các sản phẩm từ sữa khác với cá có thể gây khó chịu về tiêu hóa, đầy hơi, đau bụng, thậm chí nhiễm trùng da và dị ứng. Sự kết hợp giữa sữa và cá có thể làm rối loạn quá trình tiêu hóa do hàm lượng protein cao.
Trái cây họ cam quýt: Axit trong trái cây họ cam quýt có khả năng phản ứng với protein trong cá dẫn đến mùi khó chịu.
Thực phẩm giàu tinh bột: Tránh kết hợp cá với các món ăn nhiều tinh bột, chẳng hạn như khoai tây hoặc mì ống, có thể dẫn đến lượng calo và carbohydrate quá cao, khiến hệ tiêu hóa hoạt động chậm chạp.
Các loại đậu: Các loại đậu và cá đều rất giàu protein, có thể dẫn đến đầy hơi, chướng bụng khi ăn cùng nhau.
Cà phê: Người ta tin rằng uống cà phê cùng lúc với ăn cá sẽ ngăn cơ thể xử lý thủy ngân trong cá.
Theo VietNamNet