Lưu ý tránh ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm

Hà Lê| 02/02/2024 18:32

Cuối năm là thời điểm các loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng… có thể được đưa ra ngoài thị trường nhiều hơn. Người dân cần lưu ý để tránh bị ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Lưu ý tránh ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm
Thói quen tích trữ thực phẩm ngày Tết là một trong những nguyên nhân có thể gây ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Khánh Vũ

Ngày 2.2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, để tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn và trong mùa lễ hội xuân 2024 Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Chỉ thị số đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố và yêu cầu các đơn vị toàn ngành Y tế đặc biệt chú ý:

Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng trong bảo đảm an toàn thực phẩm;

Tham mưu Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm trung ương chỉ đạo địa phương, cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết, tập trung vào các nhóm sản phẩm thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời điểm cuối năm, các bữa tiệc tất niên liên miên, thói quen ăn nhiều món chiên, xào và nước ngọt, đồ uống có cồn… hơn, khiến nhiều người mất kiểm soát về dinh dưỡng, gây ra hệ lụy sức khỏe phải nhập viện.

Vào dịp cuối năm, Trung tâm lại tiếp nhận và điều trị nhiều ca ngộ độc do uống rượu không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần, trôi nổi ngoài thị trường. Những loại rượu này bị người sản xuất pha cồn công nghiệp vào để kiếm lợi nhuận.

Trung tâm Chống độc đã phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng có nồng độ methanol rất cao, chiếm 70-90%. Nhiều đối tượng đã mua cồn này về pha chế thành rượu bán.

"Về nhận diện, phân biệt rượu ethanol (rượu thông thường) và methanol rất khó. Cồn methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau khi uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều axít formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch", TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho hay.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra cảnh báo, tất cả thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản và chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đều có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, việc quan trọng nhất là phải chọn mua được thực phẩm an toàn.

Theo Cục An toàn thực phẩm, khi lựa chọn mua thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn, cần nhận diện thông tin về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ rõ ràng trên sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh, thông tin về chất lượng, hướng dẫn bảo quản sử dụng, hạn sử dụng trên nhãn.

Mặt khác, không sử dụng thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là ngũ cốc, hạt có dầu có chứa độc tố vi nấm nguy hiểm… Ngoài vấn đề lựa chọn thực phẩm, các thức ăn cần được nấu chín để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc.

Nếu người tiêu dùng sau khi ăn có dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu điều trị kịp thời và báo cơ quan chức năng, địa phương về sản phẩm thực phẩm không an toàn để kiểm tra, xử lý theo quy định.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lưu ý tránh ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO