Dịp Tết Nguyên đán, chúng ta thường chuẩn bị nhiều đồ ăn thức uống giàu năng lượng như bánh kẹo, nước ngọt, bánh chưng, bánh tét, đồ chế biến sẵn. Song song đó, giờ giấc sinh hoạt đảo lộn làm cho thực đơn dinh dưỡng của trẻ có sự thay đổi so với bình thường.
Theo các bác sĩ Khoa Nhi Bệnh viện Quốc tế City (TPHCM), những năm trước, thời điểm sau Tết Nguyên đán, bệnh viện thường tiếp nhận nhiều bệnh nhi trong tình trạng rối loạn tiêu hóa, táo bón, béo phì… Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý đảm bảo chế độ ăn uống khoa học dinh dưỡng và cân bằng dinh dưỡng để bảo đảm sức khỏe cho trẻ trong dịp Tết.
Phụ huynh cần giữ giờ giấc sinh hoạt của trẻ đều đặn, không quá chênh lệch so với bình thường. Đặc biệt, không để trẻ bỏ lỡ bữa ăn.
Bên cạnh đó, cho trẻ ăn những thực phẩm phù hợp với độ tuổi, dễ hấp thu và đảm bảo cân đối 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn, gồm bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, nên chú ý bổ sung đủ rau xanh trong các bữa ăn ngày Tết cho cả gia đình.
Đảm bảo các món ăn của trẻ phải được nấu mới, tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm vì dùng thức ăn để qua đêm. Cha mẹ nên cố gắng thay đổi món ăn, đa dạng thực phẩm và cách chế biến cho trẻ. Tránh cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt, uống nước ngọt.
Chú ý cho trẻ uống đủ nước, có thể là nước lọc, nước hoa quả ép. Hạn chế nước ngọt và đồ uống có ga, đồ uống có tính kích thích như trà, cà phê.