Cộng đồng người Ba Na ở các ngôi làng trên địa bàn huyện Kông Chro (Gia Lai) vẫn còn gìn giữ vẹn nguyên nhiều nhà rông truyền thống. Đi dọc con đường liên xã, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều nhà rông cao sừng sững.
Ông Đinh Bri (61 tuổi) là một trong những người chuyên đi xây dựng nhà rông ở Plei Byang, huyện Kông Chro.
Ông Bri cho biết: "Theo quan niệm của người Ba Na, khi lập làng, đều phải xây dựng nhà rông. Đây là nơi diễn ra mọi sinh hoạt cộng đồng như thực hiện các nghi lễ, tổ chức các lễ hội lớn của buôn làng trong năm".
Dẫn chúng tôi đi thăm quan nhà rông trong làng, ông Đinh Bri tự hào nói: "Nhà rông Plei Byang được dựng từ lâu lắm rồi. Khi ấy, tôi còn là thanh niên và cùng mọi người tạc tượng để trang trí cho nhà rông. Hồi đó, đàn ông đan lát, tạc tượng trang trí nhà rông, còn phụ nữ giã gạo, nấu ăn".
Nằm cao sừng sững giữa trung tâm làng, nhà rông TDP Plei Byang có chiều dài gần 20m, rộng 7m. Nhà rông có cầu thang chính giữa và cầu thang 2 bên giúp lên xuống thuận lợi. Tổng kinh phí xây dựng ngôi nhà lên đến 400 triệu đồng.
Rời ra khỏi TDP Plei Byang, chúng tôi không khỏi choáng ngợp với nhà rông ở Plei Hle Ktu (thị trấn Kông Chro). Những bức tượng gỗ tạc thủ công, hình thù độc lạ được sắp đặt bên ngoài nhà rông vô cùng độc đáo.
Tuy cột trụ, ván lót sàn đã ngả sang màu đen của thời gian nhưng những nét cổ kính từ thời xa xưa vẫn in hằn lên từng góc nhà sàn.
Theo quan sát, nhà rông Plei Hle Ktu có thân ngang, mái thấp. Căn nhà có 2 màu chủ đạo đen, trắng. Vật liệu thi công đều là gỗ, mây, tranh, tre nứa.
Nhà rông thu hút ánh nhìn bởi vẻ hoang sơ, mộc mạc. Nhìn nhà rông từ xa, chúng ta tưởng tượng như đang ngắm một tấm thổ cẩm khổng lồ.
Đặc biệt, nhà rông Plei Hle Ktu được chạm khắc, đục đẽo tinh xảo. Xung quanh và bên trong nhà , trang trí chim đại bàng, con rùa, tắc kè, tượng người được tạc bằng gỗ.
Được biết, mỗi khi làng chuẩn bị có lễ cúng, nhà rông lại nhộn nhịp, rộn ràng bởi các già làng đến nhà chẻ tre, chuốt nan làm cây nêu hay bàn cúng.
Đám thanh niên đảm nhận những việc ít quan trọng như đưa bộ cồng chiêng ra lau chùi, tập luyện cho chương trình hội làng.
Vào mỗi chiều, từng nhóm thanh niên lại tụ tập chơi bóng đá, bóng chuyền trước nhà rông. Đến tối, già làng lại ngồi kể những câu chuyện sử thi bên bếp lửa cho con cháu trong làng nghe. Vì thế mà tình đoàn kết của dân làng được gắn chặt dưới mái nhà rông.
Hầu hết các ngôi làng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Kông Chro đều có nhà rông. Có nhiều ngôi làng sở hữu từ 2 đến 3 nhà rông.
Để gìn giữ những giá trị văn hóa, năm 2018, người dân làng Hle Hlang (xã Yang Trung, huyện Kông Chro) cũng chung tay đóng góp hơn một tỷ đồng để đầu tư làm một nhà rông vững chãi.
Ngôi nhà có tổng diện tích hơn 100m2, nằm trong khuôn viên rộng khoảng 1.000m2, phía trước có khoảng sân rộng, cây xanh bóng mát.
Anh Đinh Chiêng - cán bộ Phòng Văn hóa thông tin xã Yang Trung - cho biết: Trước đây, gỗ, tranh, nứa là nguyên liệu chính để dựng nhà rông. Hiện nay, dân làng thống nhất sử dụng nguyên liệu hiện đại kết hợp nguyên liệu tự nhiên.
Theo bà con, nhà rông là nơi sinh hoạt cộng đồng và trưng bày những thành tích của làng đạt được trong mọi hoạt động phong trào xây dựng nông thôn mới, hội thi văn hóa, văn nghệ.
Ông Nguyễn Trọng Hiếu - Giám đốc Trung tâm VHTT&TT huyện Kông Chro - cho biết hiện nay trên địa bàn huyện có hơn 105 ngôi nhà rông truyền thống. Đây là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng làng, biểu tượng văn hóa của người dân Bahnar.
Nhưng nhiều năm trở lại đây, nhà rông đã có nhiều sự thay đổi để thích ứng với sự phát triển về kinh tế - văn hóa. Giờ đây, nhà rông chỉ còn lưu giữ các sinh hoạt như lễ hội, giao lưu văn nghệ, họp dân làng.
"Chúng tôi khuyến khích, vận động bà con bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khác như cồng chiêng, đan lát, tạc tượng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khích lệ người dân tích cực sửa chữa, duy tu, bảo tồn nhà rông truyền thống, cố gắng gìn giữ kiến trúc độc đáo này cho con cháu đời sau", ông Hiếu thông tin thêm.