Lương thấp, nhiều người lao động e ngại lập gia đình

08/08/2023 16:36

Tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của 53,7% người lao động và quyết định có con của 72,0% người lao động được khảo sát. Có 17,6% người lao động không sống cùng con dưới 18 tuổi vì lý do tiền lương thấp.

Thông tin tại Hội nghị công bố báo cáo thực hiện hoạt động khảo sát, đánh giá về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của người lao động năm 2023, bà Phạm Thị Thu Lan, Phó viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, đơn vị đã thực hiện khảo sát tại địa bàn 6 tỉnh, thành phố có đông lao động công nghiệp, dịch vụ, đại diện các loại hình doanh nghiệp và vùng lương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, An Giang, Bình Dương và TP HCM với khoảng 3.000 người lao động.

Khảo sát này nhằm đánh giá về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của người lao động năm 2023, phục vụ hoạt động của Hội đồng tiền lương Quốc gia, điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2024.

Lương thấp, người lao động ngại kết hôn, không được ở cùng con

Theo bà Phạm Thị Thu Lan, khảo sát cho thấy có 52,3% người lao động làm thêm giờ, trung bình 1,75 giờ/ngày. Phần lớn người lao động được khảo sát tình nguyện làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Bà Lan cho biết, năm 2024, tình trạng thiếu hụt đơn hàng được dự báo vẫn còn tiếp diễn, khi có 17,2% doanh nghiệp khảo sát cho biết tình hình thiếu đơn hàng của doanh nghiệp năm 2024 sẽ tăng lên so với năm 2023.

Tiền lương cơ bản bao gồm làm đủ giờ ngày công là hơn 6 triệu đồng/tháng, cao hơn 8,4% so với khảo sát tháng 3/2022, cao hơn mức lương tối thiểu vùng từ 37,5% đến 51,9% tùy theo từng vùng. Chi tiêu năm 2023 cũng tăng 19% so với năm 2022, với tổng chi tiêu là gần 12 triệu đồng/tháng. Trong đó, họ chi tiêu nhiều hơn cho phi lương thực thực phẩm, chiếm gần 70%.

Phó Viện trưởng Viện Công nhân, công đoàn cho biết, kết quả khảo sát cũng cho thấy chỉ có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ thu nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu. Chỉ có 8,1% người lao động có tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập.

Có 17,3% người lao động phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% người lao động thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an.

Phó viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thông tin, tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của 53,7% người lao động và quyết định sinh con của 72,0% người lao động. Có 17,6% người lao động không sống cùng con dưới 18 tuổi vì lý do tiền lương thấp và 2,2% người lao động chưa từng mua sữa công thức cho con dưới 6 tuổi...

Cần giải pháp quyết liệt kìm chế lạm phát, bình ổn giá

Từ những khó khăn mà người lao động đang gặp phải, đại diện Viện Công nhân, Công đoàn kiến nghị các Bộ ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản sản xuất kinh doanh, đặc biệt là về nguồn hàng, đơn hàng, vốn, ưu đãi thuế, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, từ đó tạo việc làm ổn định và thu nhập bền vững cho người lao động. Đồng thời có ngay các giải pháp quyết liệt kiềm chế lạm phát, bình ổn giá, nhất là giá điện, xăng dầu và các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yêu của người lao động.

Bà Lan cũng cho rằng, công đoàn cấp trên cần tăng cường các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn cơ sở trong các vấn đề về điều tra khảo sát đánh giá thực trạng tiền lương và mức sống của người lao động trong doanh nghiệp, kỹ năng cần thiết trong thương lượng đối thoại liên quan đến tiền lương, tiếp theo là tăng cường các hoạt động tư vấn trực tiếp cho các công đoàn cơ sở trong quá trình thương lượng tiền lương và cuối cùng là cung cấp, thông tin đầy đủ, kịp thời và rõ ràng về các quy định liên quan đến tiền lương để công đoàn cơ sở nắm được đầy đủ thông tin khi tiến hành thương lượng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lương thấp, nhiều người lao động e ngại lập gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO