Lương phi công Việt Nam làm việc ở Vietnam Airlines sẽ tăng lên bao nhiêu?

Thế Kha| 06/06/2023 07:30

Giai đoạn 2023-2025, số lượng phi công Việt Nam làm việc cho Vietnam Airlines từ 865-1.044 người, tiền lương bình quân (chưa gồm quỹ tiền lương bổ sung) khoảng 115,6-134,8 triệu đồng/tháng.

Tờ trình Nghị định bổ sung Nghị định 87/2021 của Chính phủ về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 20/2020 thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đang được Bộ Tư pháp nghiên cứu, thẩm định.

Tờ trình cho biết, tiền lương bình quân của phi công Việt Nam (PCVN) làm việc tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) năm 2018 là 124 triệu đồng/người/tháng - bằng 50% tiền lương của phi công nước ngoài (PCNN) 249,69 triệu đồng/tháng; năm 2019 là 135,4 triệu đồng/tháng - bằng 48% tiền lương của PCNN 281,68 triệu đồng/tháng.

Đến nay, do tác động của Covid-19, tiền lương của PCVN càng trở nên bất cập hơn so với tiền lương của PCNN.

Lương phi công Việt Nam làm việc ở Vietnam Airlines sẽ tăng lên bao nhiêu? - 1

Năm 2022, mức tiền lương bình quân của phi công Việt Nam là 85 triệu đồng/tháng, bằng 59% so với phi công nước ngoài, khoảng 145 triệu/tháng (Ảnh minh họa: CNQ).

Báo cáo của Vietnam Airlines và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cho thấy, quỹ tiền lương hiện nay của Vietnam Airlines không đủ bù đắp tiền lương PCVN, đang phải đối mặt với tình trạng "chảy máu nguồn lao động phi công Việt Nam".

Cụ thể, tổng số lao động làm việc cho hãng bay này năm 2022 là 6.028 người, trong đó có 4.417 người do Vietnam Airlines trả lương từ quỹ tiền lương theo đơn giá khoán (trong đó có 829 PCVN, tiếp viên và lao động gián tiếp là 3.581 người) và 152 PCNN do Vietnam Airlines ký hợp đồng với đối tác cung ứng nhân lực (không trả lương trực tiếp cho PCNN).

Tổng quỹ tiền lương theo đơn giá năm 2022 của Vietnam Airlines là 1.689 tỷ đồng, mức tiền lương bình quân của PCVN là 85 triệu đồng/tháng (bằng 59% so với PCNN - khoảng 145 triệu/tháng), tiếp viên và lao động chuyên môn còn lại là 19,5 triệu đồng/tháng.

Mặc dù số lượng PCVN chỉ là 829 người, chiếm 18,8% số lao động do Vietnam Airlines trả lương, nhưng chiếm 50% tổng quỹ tiền lương theo đơn giá.

Trước thực trạng về tiền lương trên và trong điều kiện các hãng hàng không cạnh tranh gay gắt, thu hút lao động phi công, nhất là sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thị trường hàng không phục hồi, nhiều PCVN đã rời bỏ Vietnam Airlines chuyển sang các hãng khác.

Tính từ năm 2020 đến nay đã có 35 PCVN bỏ việc, một số phi công đang dự kiến thôi việc sau khi kết thúc hợp đồng.

Để bù đắp số lượng PCVN thiếu hụt, Vietnam Airlines có thể phải thuê thêm PCNN, nhưng việc sử dụng bị động và phải trả chi phí rất cao, gồm tiền lương, tiền thuê nhà, tiền bảo hiểm, tiền phí quản lý,....

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan chủ trì soạn thảo) cho rằng, để không làm xáo trộn về việc xác định quỹ tiền lương của Vietnam Airlines cũng như tiền lương đối với các đơn vị còn lại, chỉ bổ sung quy định vào Nghị định 87/2021 cho phép Vietnam Airlines được tính thêm nguồn tiền lương trả cho phi công là người Việt Nam.

Nguồn tiền lương bổ sung tối đa được dựa vào chênh lệch giữa mức tiền lương (trích từ quỹ tiền lương hằng năm) của người lái máy bay là người Việt Nam so với mức tiền lương của người lái máy bay là người nước ngoài cùng làm việc cho Vietnam Airlines tương ứng theo nhóm chức danh trong cùng đội bay, thời gian làm việc.

Khi xác định nguồn tiền lương bổ sung phải căn cứ vào khả năng đáp ứng tài chính của Vietnam Airlines, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao hằng năm. Đối với trường hợp lỗ thì còn phải đảm bảo không làm phát sinh thêm lỗ so với thực hiện của năm trước liền kề.

Theo dự thảo nghị định, nếu bổ sung nguồn để tiền lương PCVN bằng khoảng 70-90% so với PCNN cùng làm việc cho Vietnam Airlines thì hằng năm cần bổ sung nguồn tiền lương từ 300 tỷ đồng (bảo đảm 70%) đến 800 tỷ đồng (bảo đảm 90%).

Giai đoạn 2023-2025, số lượng PCVN dự kiến là 865-1.044 người, tiền lương bình quân hằng năm (chưa bao gồm quỹ tiền lương bổ sung) trong khoảng 115,6-134,8 triệu đồng/người/tháng; tiền lương bình quân của PCNN sẽ là 268,4-279,2 triệu đồng (tăng theo cung cầu của thị trường).

Khi đó, dự kiến tiền lương bình quân của PCVN giai đoạn 2023-2025 chỉ bằng 43-48% tiền lương bình quân của PCNN làm việc cho Vietnam Airlines

Vietnam Airlines nhận định, nếu không được bổ sung quỹ tiền lương chênh lệch giữa PCVN so với PCNN thì tình trạng chảy máu nguồn nhân lực PCVN sẽ tiếp tục xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp này.

Trong khi đó, nhu cầu về người lái máy bay của các đối thủ cạnh tranh (Vietjet Air, Bamboo Airways, Viettravel Airlines) cũng rất lớn (dự kiến 3 hãng này sẽ bổ sung từ 15-30 tàu bay mỗi năm), nguồn lực người lái máy bay trong nước và trên thế giới hạn chế.

Nếu không có cơ chế cải thiện tiền lương PCVN thì ước tính giai đoạn 2023-2025, mỗi năm Vietnam Airlines sẽ có đến 120-240 người lái máy bay là người Việt Nam xin thôi việc.

Khi đó, chi phí phụ trội mỗi năm Vietnam Airlines phải trả để thuê người lái máy bay là người nước ngoài thay thế PCVN bỏ việc là 300-600 tỷ đồng/năm.

"Nếu không tuyển được người lái thay thế dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo nguồn lực phục vụ khai thác theo kế hoạch sản lượng của Vietnam Airlines", tờ trình cho hay.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lương phi công Việt Nam làm việc ở Vietnam Airlines sẽ tăng lên bao nhiêu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO