Luộc vịt không khó nhưng nếu làm không đúng cách sẽ rất dễ bị hôi. Lý do là ở phần đuôi của vịt có một cục nhờn có mùi rất nặng. Ngay cả khi đã loại bỏ tuyến nhờn này, bạn vẫn cần các kỹ năng chế biến để món ăn có mùi thơm hấp dẫn. Cả khâu sơ chế và luộc đều rất quan trọng để món vịt luộc không có mùi khó chịu.
Luộc vịt cho thêm loại quả này sẽ không sợ bị hôi
Để món vịt thơm ngon, bạn cần chú ý ngay từ khâu sơ chế, loại bỏ cục chất nhờn ử phao câu, sử dụng các gia vị có tác dụng khử mùi như gừng, sả, hành, muối... Ngoài ra, có một loại quả ít người nghĩ là liên quan đến món vịt luộc nhưng lại mang đến hiệu quả thực sự đáng ngạc nhiên. Luộc vịt cho thêm loại quả này sẽ không sợ bị hôi, thịt lại ngọt lịm.
Luộc vịt cho thêm loại quả này sẽ không sợ bị hôi, thịt ngọt lịm. (Ảnh: fastandfresh)
Đó chính là quả dừa. Trong lần luộc vịt tới, bạn hãy mua một quả dừa về để "kiểm nghiệm" nhé, chắc chắn kết quả sẽ khiến bạn hài lòng. Các bước thực hiện như sau:
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 1 con vịt ngon
- 1-2 quả dừa tươi
- Mướp hương
- Gừng tươi, sả, hành khô
- Giấm gạo, muối hạt.
Luộc vịt cho gì để không bị hôi là băn khoăn của nhiều người.
Bạn lấy nước của 1-2 quả dừa tươi cho vào nồi, thêm một lượng nước vừa đủ ngập con vịt, cho gừng đập dập, sả đập dập và chút muối vào rồi luộc. Khi nước sôi, cần vớt phần bọt nổi lên trên để nước dùng được trong hơn.
Sau khi luộc khoảng 15-20 phút, bạn cho 1-2 quả mướp hương đã gọt vỏ bổ đôi vào luộc cùng vịt khoảng 5 phút nữa rồi tắt bếp. Ngâm thịt vịt trong nồi khoảng 20 phút cho thịt chín hẳn, đến khi thấy da vịt chuyển từ màu vàng sang nâu vàng là được.
Để thử xem vịt đã chín kỹ chưa, bạn dùng đầu đũa hoặc que nhọn chọc vào, nếu không có nước hồng chảy ra là vịt đã chín. Nếu bạn chưa muốn ăn ngay thì có thể để vịt om trong nồi, thịt sẽ luôn được giữ nóng và mềm mại, khi ăn chỉ cần vớt ra rồi chặt miếng. Bạn cũng có thể vớt vịt ra khi đã chín rồi cho ngay vào thau nước lạnh, thịt sẽ săn lại và nguội nhanh, giúp lớp da giòn dai hơn.
Nồi nước dùng luộc thịt vịt rất ngọt, bạn có thể nêm nếm thêm chút gia vị rồi dùng với bún hoặc nấu canh măng.
Cách pha nước chấm vịt luộc
Món luộc ngon thì không thể thiếu nước chấm. Vậy thịt vịt luộc chấm với cái gì? Dưới đây là 2 cách chế biến nước chấm ngon cho món vịt luộc:
Cách pha nước mắm chấm vịt
Ớt bỏ hạt, băm nhỏ; gừng cạo bỏ vỏ, băm nhỏ; tỏi bóc vỏ, đập dập và băm nhỏ.
Cho 5 thìa cà phê nước mắm, 1 thìa cà phê đường trắng, 2 thìa cà phê nước cốt chanh vào một cái bát, khuấy đều. Cho ớt, gừng đã băm vào khuấy đều rồi cho tỏi vào để tỏi nổi lên bề mặt bát nước chấm. Nêm nếm lại cho hợp khẩu vị.
Cách pha xì dầu tỏi ớt chấm vịt
Tỏi bóc vỏ, đập dập rồi băm nhỏ. Gừng và ớt rửa sạch; gừng nạo vỏ, băm nhỏ, ớt tươi bỏ hạt, băm nhỏ.
Cho 4 thìa cà phê xì dầu, ½ thìa cà phê mỳ chính và 1 thìa đường trắng vào bát, khuấy đều. Cho gừng và ớt băm vào khuấy đều, sau đó cho tỏi băm vào.
Luộc vịt không khó, nhưng muốn luộc vịt ngon, bạn cần một số bí quyết nho nhỏ.
Cách chọn vịt ngon
Để có món vịt luộc ngon, bạn nên chọn những con vịt trưởng thành, béo, ức tròn, da cổ và da bụng dày, mọc đủ lông. Những con vịt này làm lông sẽ nhanh, không mất nhiều thời gian.
Nên chọn vịt đực, bởi vịt đực ăn ngon hơn vịt cái. Không nên chọn vịt non vì thịt sẽ nhão, không săn chắc và rất tốn thời gian nhổ lông măng. Vịt non sẽ có mỏ to và mềm, còn vịt già mỏ nhỏ và cứng. Vịt đã đẻ một vài lứa thịt cũng khá thơm, dấu hiệu nhận biết là bụng dưới xệ xuống.
Nếu là vịt làm sẵn, cần chọn những con mới mổ, nhìn còn tươi ngon, ấn tay vào thấy chắc. Quan sát bên trong, nếu thấy nhiều nước thì có thể đó là vịt bị bơm nước. Nếu thấy hai bên đùi và lườn vịt căng bóng, thớ thịt dày cũng không nên mua. Một dấu hiệu khác của vịt bị bơm nước là khi dốc ngược con vịt, bạn thấy nó bị biến dạng.
Mẹo khử mùi hôi cho thịt vịt
Việc xử lý lông vịt đúng cách cũng giúp loại bỏ một phần mùi hôi của vịt. Bạn cần đun sôi một nồi nước, thêm lá khế, nắm rau muống hoặc một ít vôi, sau đó nhúng con vịt đã cắt tiết vào trong nước này, làm ướt toàn bộ lông và nhanh tay nhổ. Lúc nhổ, nên miết tay xuống để loại bỏ hết cả lông măng. Nếu lỗ chân lông có chất lỏng màu đen thì nên nặn ra hết để vịt được sạch, không bị hôi.
Làm lông xong, bạn rửa lại con vịt bằng nước sạch, cắt bỏ phao câu để loại bỏ mùi hôi. Phao câu chính là một trong những nguyên nhân khiến thịt vịt bị hôi khi nấu chín. Nơi đây tập trung nhiều hạch bạch huyết, là kho chứa vi trùng, vi khuẩn gây bệnh, tích tụ các tạp chất.
Mặc dù đã làm sạch phần lông, cắt bỏ phao câu nhưng thịt vịt vẫn có mùi hôi đặc trưng. Bạn nên dùng muối hạt chà xát cả trong và ngoài con vịt rồi rửa sạch, sau đó cắt vài lát gừng chà lên, rửa lại lần nữa. Gừng có tác dụng khử mùi hôi vịt hiệu quả và giúp vịt thơm hơn khi luộc.
Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể dùng rượu trắng hoặc rượu gừng, giấm gạo để rửa vịt rồi xả lại với nước, chắc chắn vịt sẽ không còn mùi hôi.
Theo VTC News