"Lững lờ" là triển lãm cá nhân thứ 7 của Trần Lâm Bình. Triển lãm bao gồm các sáng tác trong 2 năm của anh với chất liệu sơn dầu, acylic và điêu khắc gốm. Họa sĩ mong rằng những mảng màu của anh sẽ khiến người xem như có một bến dừng trên dòng sông cảm xúc, dừng để nghĩ ngợi, để tiếp sức và bơi đi.
Sự kiện kéo dài từ ngày 10/10 đến 15/11 tại V-Art Space (Ciputra Club, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), giới thiệu 38 tác phẩm được thể hiện theo nhiều trường phái như hiện thực, ấn tượng, trừu tượng, lập thể... và nhiều chất liệu như sơn dầu, acrylic và điêu khắc gốm.
Trần Lâm Bình nói anh đặt tên triển lãm lần này của mình là "Lững lờ" vì với anh nó có nhiều cái hay và ý nghĩa khác nhau. "Lững lờ" nhìn lại tuổi 40 của mình: Không còn trẻ nhưng chưa hẳn đã già. "Lững lờ" như những đám mây không phải trôi đi cũng không dừng lại, không cao cũng chẳng gần. "Lững lờ" của những bảng màu của anh, tươi tỉnh như cuộc sống đang đâm chồi, chậm rãi, lững lờ trong thế giới màu.
Không giới hạn bản thân trong những đề tài và kỹ thuật vẽ quen thuộc, tranh của Lâm Bình mời gọi người xem suy ngẫm về những câu hỏi có chiều sâu và mở ra cái nhìn đầy trắc ẩn của người họa sĩ. Anh dùng nét vẽ của mình để kể những câu chuyện về con người cô đơn nhưng vẫn mong có được tình yêu, đau khổ nhưng không từ bỏ hy vọng, tìm kiếm bản ngã nhưng không tách mình khỏi cộng đồng, vươn ra thế giới nhưng không mất đi bản sắc dân tộc.
"Theo dòng sông xúc cảm, dòng sông đầy sắc màu, sáng và tối, tôi và bạn, bạn và bạn… như những giọt màu trắng đen xanh đỏ… chúng ta dù muốn hay không thì cũng đang hòa lại với nhau… tôi gọi đó là đời sống, là được và mất", họa sĩ Trần Lâm Bình chia sẻ.
Ở mảng chân dung, họa sĩ vẽ chính mình, con trai và bạn bè thân thiết như họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, nhà báo Nguyễn Trọng Chức...
Trong "Lững lờ" có rất nhiều bức chân dung được Trần Lâm Bình thể hiện với nhiều phong cách khác nhau dựa trên cảm nhận và sự quen thuộc của anh với bạn bè. Chẳng hạn, với chân dung nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thì gồ ghề, nhiều hình khối nhưng đến họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức thì lại phá vỡ mọi quy tắc về hình khối. Với chân dung nhà báo Nguyễn Trọng Chức thì lại được họa trên nền màu đen thẳm để thể hiện chiều sâu, sự sâu lắng của nhân vật này.
Trong khi đó, còn khá nhiều bức chân dung khác lại không có mắt, mũi, miệng, là những hình hỗn độn thể hiện những nhân vật, những ý niệm, sáng tạo ra phong cách riêng của anh với nhiều tâm thế, trạng thái khác nhau trong từng hoàn cảnh, từng cách biểu đạt cảm xúc khác biệt.
Bước chân vào không gian của những vệt màu rất mạnh mẽ, có những bức khổ lớn như "Bình yên trên cánh đồng" với kích thước 2x3m, người xem dễ bề choáng ngợp. Song, khi chiêm ngưỡng thật chậm hết các tác phẩm này, chúng ta sẽ cảm nhận sâu sắc được một cái tôi sáng tạo hết sức bền bỉ và nghiêm túc, một cá tính mạnh mẽ và một họa sĩ tràn ngập ý tưởng.
Những bức tranh khổ lớn "bất thường" còn cho thấy tham vọng sáng tác của chàng họa sĩ. Cách anh xử lý đã khiến chất liệu truyền thống này trở nên mới lạ mà vẫn không làm mất đi tinh thần Việt.
Chính bởi vậy, anh không có đặc biệt thích bức nào hay dành tâm huyết nhất với một tác phẩm khi vẽ. Tất cả đều là những "đứa con tinh thần" mà anh yêu quý và gửi gắm vào đó sự sáng tạo theo những ý niệm mà mình muốn chuyển tải bằng màu sắc, hình khối.
Lâm Bình bắt đầu theo đuổi hội họa từ khi theo học tại Đại học Mỹ thuật Huế, một môi trường vẫn còn lưu dấu những ảnh hưởng của mỹ thuật hiện đại Pháp. Sau đó anh tiếp tục việc học tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội (hiện nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Hỏi anh, việc được đào tạo chính thống có giúp định hình phong cách nghệ thuật của anh không? Lâm Bình không ngần ngại trả lời rằng việc học ở trường Đại học giúp anh có được nền tảng cơ bản, nhưng điều khiến anh tận tụy làm nghệ thuật đến tận bây giờ là vì anh cảm thấy mình có nghĩa vụ cống hiến cho nền hội họa nước nhà.
Họa sĩ Trần Lâm Bình (SN 1982), tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Huế, sau đó là thạc sĩ tại Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Năm 2010, Trần Lâm Bình có triển lãm Đóng tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội. Trong triển lãm này, anh dùng những khung cửa cũ để mô tả lại việc mở lại những câu chuyện cũ vui buồn hay bức xúc về giao thông, tệ nạn xã hội.
Năm 2019, Trần Lâm Bình là nghệ sĩ Việt Nam tham gia Florence Biennale tại Ý cùng hơn 700 nghệ sĩ quốc tế, nhân kỷ niệm 500 năm ngày sinh danh họa Leonardo da Vinci. Tại đây, anh được đánh giá là có kỹ thuật tài tình, cảm nhận màu sắc và đường nét sắc sảo, thu hút người xem.