Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (chi nhánh TP Hà Nội) nhu cầu được hỗ trợ bồi thường trong tình huống gây tai nạn là có thật, nhất là đối với những chủ xe không có nhiều tiền. Điểm cơ bản là làm sao để người dân ý thức rõ nhu cầu ấy và hiểu chính xác ý nghĩa của tấm giấy được gọi là “bảo hiểm xe máy”.
Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây vẫn là thủ tục dễ dàng, thuận tiện nhất để người dân được chấp nhận chi trả bảo hiểm khi có sự vụ và thấy được giá trị của nó một cách cụ thể, khách quan nhất. Qua đó, có thể thấy được, nếu mua bảo hiểm chỉ để đối phó với CSGT và không mong được chi trả khi xảy ra tai nạn từ phía cơ quan bảo hiểm thì quy định mua bảo hiểm xe máy bắt buộc chẳng còn ý nghĩa gì ngoài việc làm lợi cho phía công ty bảo hiểm.
Một khi đã quy định bắt buộc người dân phải mua bảo hiểm thì cũng cần có quy định bắt buộc bên bảo hiểm phải có trách nhiệm thu thập hồ sơ các vụ tai nạn liên quan đến người mua. Nếu không làm được việc này thì không nên bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe máy, thay vào đó là tự nguyện.
Thực tế, dù bắt buộc chủ xe mô tô, xe máy phải mua bảo hiểm nhưng khi xảy ra tai nạn và đề nghị chi trả bảo hiểm, phía công ty bảo hiểm lại 'gây khó' bởi thủ tục rườm rà khiến người mua bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong quá trình đề nghị thanh toán chi trả.
Ngoài ra, việc chi trả bồi thường thiệt hại từ bảo hiểm xe máy cần phải được thực hiện một cách nhanh chóng, thủ tục đơn giản và cần phải có hướng dẫn cụ thể đối với người dân, khi sự việc xảy xa.
Phó chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia Trần Hữu Minh cho hay, hiện nay chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là quy định được gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đang áp dụng. Để bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân trong các vụ TNGT do xe cơ giới gây ra, gồm cả ô tô và xe máy thì cần duy trì chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới. Việc này nhằm bảo đảm các chủ xe khi mua bảo hiểm sẽ được bảo hiểm chi trả cho các hậu quả mà họ có thể gây ra khi tham gia giao thông trên đường công cộng.
Chi trả này không phải cho người mua bảo hiểm, mà trả cho nạn nhân của TNGT mà người mua bảo hiểm gây ra.
Tuy nhiên, ông Minh cũng nói rõ, để bảo hiểm xe máy thực sự đem lại hiệu quả chia sẻ rủi ro thì cần phải tiếp tục loại bỏ những bất cập trong quy trình, thủ tục đóng hưởng. Đặc biệt, những phần nằm trong trách nhiệm quyền hạn của cơ quan quản lý phải làm sao để việc giải quyết các thủ tục về các vụ việc bảo hiểm thuận tiện hơn. Có như vậy mới giải quyết được các tồn tại trong quá trình chi trả bảo hiểm vốn gây bức xúc và cũng là lý do đề xuất bỏ loại bảo hiểm này.
“Dù đã có khá nhiều chế tài xử lý các hành vi vi phạm của doanh nghiệp bảo hiểm nhưng công tác thanh tra kiểm tra việc triển khai các hoạt động liên quan tại doanh nghiệp bảo hiểm còn bị buông lỏng. Bởi vậy công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các vi phạm với cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cũng cần được tăng cường”, ông Minh góp ý.