Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi theo hướng lấy người bệnh làm trung tâm

Quang Tuyền| 21/04/2022 11:33

Bộ trưởng Y tế cho biết, để khắc phục những hạn chế, bất cập, Bộ xây dựng nội dung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) theo hướng lấy người bệnh làm trung tâm.

Sáng 21/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sau hơn 11 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.

Do đó, việc xây dựng Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 10 chương và 102 điều, thêm 1 chương (chương IX) so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi theo hướng lấy người bệnh làm trung tâm - 1

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, để khắc phục những hạn chế, bất cập, Bộ Y tế xây dựng nội dung dự án Luật theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm" thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, cần cân nhắc về sự cần thiết của việc quy định không điều chỉnh các "hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe do ngân sách nhà nước chi trả" do vừa thừa, vừa thiếu và chưa bao quát.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhất trí việc quy định kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh. Tuy nhiên, Chính phủ cần xác định thời điểm chính thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh cho phù hợp và khả thi; làm rõ cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, dịch vụ khám chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt. Do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá.

Theo Luật Giá, Nhà nước chỉ định khung giá và mức giá dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh và việc quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.

Dự thảo luật không còn quy định về quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh như luật hiện hành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, cần duy trì quỹ này theo tinh thần "nâng cao hiệu quả Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo" nêu tại Nghị quyết 20-NQ/TW. Dự thảo luật cần nghiên cứu cơ chế quản lý các nguồn viện trợ, tài trợ cho các cơ sở khám chữa bệnh thông qua quỹ để đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch.

Quang Tuyền

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi theo hướng lấy người bệnh làm trung tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO