Theo đó, Bộ GTVT xây dựng Luật GTĐB, Bộ Công an xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Luật mới tách từ Luật GTĐB).
Trên cơ sở này, Bộ GTVT vừa hoàn thiện và lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi), kèm văn bản giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.
Công tác đào tạo, sát hạch lái xe được đưa vào xây dựng tại Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ |
So với lần trình Quốc hội vào tháng 10/2020, dự thảo lần này có điểm mới là đổi tên Luật GTĐB thành Luật Đường bộ. Tuy nhiên dự luật vẫn giữ nguyên 6 chương, 102 điều và phạm vi điều chỉnh. Cụ thể, luật này chỉ quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
Điều này có nghĩa, Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ (do Bộ Công an soạn thảo) sẽ quy định về việc đăng ký, cấp, thu hồi biển số phương tiện GTĐB; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe…
Giải trình về việc tác luật, Bộ GTVT lý giải, để đảm bảo phù hợp với mục đích, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội việc chỉnh lý các dự án luật được thực hiện theo hướng: kế thừa, hoàn thiện những chế định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ của Luật GTĐB 2008, hoàn thiện các nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ gắn với việc hoàn thiện các nội dung về giao thông đường bộ.
Bộ GTVT cho biết thêm, đây là phân công, phân nhiệm vụ giữa các cơ quan chức năng về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, về giao thông đường bộ hợp lý, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong công tác này; rà soát, chỉnh lý, đảm bảo khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo giữa các nội dung quản lý nhà nước về giao thông đường bộ và về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật…
Về việc chuyển đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an, Bộ GTVT cho biết đa số đại biểu Quốc hội yêu cầu đánh giá tác động toàn diện, khách quan, khoa học tránh cục bộ khép kín, độc quyền. Tuy nhiên Bộ GTVT thấy rằng việc này Chính phủ đã đánh giá tại hồ sơ dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, nên không đề cập thêm.
Lái xe không điều khiển phương tiện liên tục quá 4 giờ
Đi vào cụ thể dự thảo luật GTĐB, Bộ GTVT đã giải trình và tiếp thu từng ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội.
Cụ thể về đề nghị của đại biểu trong việc bỏ quy định cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách, Bộ GTVT cho rằng hoạt động kinh doanh vận tải hành khách là hoạt động kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật GTĐB và Luật Đầu tư hiện hành.
Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cần phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng… và điều kiện đầu tư kinh doanh phải được áp dụng theo một trong các hình thức: giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ.
Do đó, việc quy định cấp giấy phép kinh doanh vận tải là cần thiết để đảm bảo công tác quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Lái xe không được cầm lái liên tục 4h |
Bộ GTVT cũng tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội quy định thời gian làm việc của lái xe trong ngày và bổ sung quy chế xử phạt đối với chủ doanh nghiệp có hành vi bắt lái xe tăng cường độ làm việc. Bộ GTVT vận tải khẳng định vấn đề này đã được tiếp thu và chỉnh lý ở điều 62 của dự luật.
Theo đó, thời gian làm việc của lái xe phải đảm bảo quy định của Bộ Luật lao động và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Thời gian nghỉ tối thiểu là 5 phút đối với lái xe taxi, xe buýt nội tỉnh,15 phút đối với lái xe vận tải nội bộ, lái xe các loại hình kinh doanh vận tải khác.
Doanh nghiệp, người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm bảo đảm thời gian điều khiển xe của tài xế không quá 10 giờ trong 24 giờ liên tục.
Vũ Điệp