Luật chiến tranh nói gì về chiến sự Hamas - Israel?

06/11/2023 06:39

Cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10 và chiến dịch đáp trả của Israel từ đó tới nay đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về luật quốc tế, giữa lúc thương vong với dân thường Palestine ngày càng tăng.

Luật chiến tranh nói gì về chiến sự Hamas - Israel?

"Có chứng cứ rõ ràng cho thấy tội phạm chiến tranh đã diễn ra trong sự bùng nổ bạo lực mới nhất tại Israel và Gaza", một ủy ban của Liên Hợp Quốc khẳng định hôm 10/10, chỉ 3 ngày sau khi xung đột bùng nổ.

Đến nay, chiến sự có dấu hiệu leo thang hơn nữa khi Lực lượng Phòng vệ Israel đang hoạt động sâu bên trong Dải Gaza. Thương vong vẫn tiếp tục tăng sau những cuộc không kích của Israel, như 2 lần oanh tạc vào trại tị nạn Jabalia có quy mô lớn nhất Gaza.

Luật chiến tranh nói gì về chiến sự Hamas - Israel? - 1

Một xe tăng Israel gần biên giới với Dải Gaza (Ảnh: New York Times).

Bản chất chiến sự Hamas - Israel là gì?

Xung đột vũ trang hiện đại thường phải tuân thủ luật chiến tranh, còn được gọi là Luật Nhân đạo Quốc tế (IHL), gồm 4 Công ước Geneva năm 1949, 2 Nghị định thư bổ sung năm 1977, Công ước La Hay năm 1899 và 1907, cũng như một số công ước về vũ khí.

Những văn bản này giúp bảo vệ dân thường và người đã bị loại khỏi vòng chiến đấu, thông qua việc đặt ra các biện pháp hạn chế và cấm đối với một số cách tiến hành chiến tranh.

Trả lời với phóng viên Dân trí, Giáo sư Robert Goldman, chuyên gia luật chiến tranh thuộc Trường Luật Washington thuộc Đại học Mỹ, cho biết dựa vào đặc điểm các bên tham chiến, luật quốc tế phân loại xung đột vũ trang thành 2 loại: Xung đột quốc tế (giữa 2 hoặc nhiều quốc gia) và xung đột phi quốc tế (giữa quốc gia với nhóm vũ trang phi nhà nước, hoặc giữa các nhóm vũ trang).

Xung đột quốc tế sẽ được điều chỉnh bởi toàn bộ văn bản của luật chiến tranh. Xung đột phi quốc tế sẽ chỉ được điều chỉnh bởi Điều khoản chung 3 của Công ước Geneva và nhiều tập quán pháp khác, theo ông Goldman.

"Trong trường hợp Hamas - Israel, Hamas không phải một quốc gia. Xung đột hiện tại không phải giữa Israel và Palestine - vốn do Nhà nước Palestine đại diện", Giáo sư René Provost - chuyên gia luật quốc tế thuộc Đại học McGill tại Canada - nói với Dân trí. "Do đó, tôi thấy khá rõ đây là xung đột vũ trang phi quốc tế".

Nếu là xung đột vũ trang phi quốc tế, chiến binh Hamas không có tư cách tù binh chiến tranh khi bị bắt sống và vì thế không được hưởng sự bảo vệ đi kèm, như được miễn truy cứu trách nhiệm cá nhân vì hành vi tham chiến hợp pháp. Họ có thể bị Israel truy tố chỉ vì hành vi cầm súng chiến đấu.

Dù là xung đột vũ trang phi quốc tế, cả Hamas và Israel vẫn phải tuân thủ các quy tắc cơ bản như chỉ tấn công mục tiêu quân sự và đáp trả tương xứng.

Luật chiến tranh nói gì về chiến sự Hamas - Israel? - 2

Người dân Gaza kéo một cậu bé bị thương ra khỏi đống đổ nát ở trại tị nạn Bureij sau đòn không kích của Israel (Ảnh: AP).

Vụ tấn công của Hamas

Ông Provost nhận định rằng vụ tấn công của Hamas đã vi phạm luật pháp quốc tế.

"Nếu Hamas vượt qua biên giới và chỉ tấn công binh sĩ Israel, điều đó nhiều khả năng không vi phạm luật quốc tế mà chỉ vi phạm luật Israel", ông Provost nói. "Nhưng đó không phải là điều đã xảy ra".

Quan chức Hamas luôn khẳng định chiến binh của mình chỉ tập trung vào binh sĩ Israel và không nhắm tới dân thường, ít nhất là không cố ý sát hại họ.

Nhưng trong số gần 1.400 người thiệt mạng trong vụ tấn công hôm 7/10, gần 75% là dân thường, theo cảnh sát Israel. Một số gia đình bị giết ngay trong nhà.

Các tài liệu trên người chiến binh Hamas mà NBC News và Washington Post thu thập được cho thấy cuộc tấn công có mục tiêu giết nhiều người nhất có thể và bắt con tin về Gaza.

Nhiều công dân nước ngoài không có quan hệ thân thích với Israel, bao gồm 30 người Thái Lan, 10 người Nepal, 4 người Trung Quốc, 4 người Philippines, cũng nằm trong số người thiệt mạng. "Vụ tấn công của Hamas dường như được lên kế hoạch để sát hại dân thường một cách có hệ thống. Đó rõ ràng là tội phạm chiến tranh", ông Provost nói.

Luật chiến tranh nói gì về chiến sự Hamas - Israel? - 3
Luật chiến tranh nói gì về chiến sự Hamas - Israel? - 4

Tài liệu trên người chiến binh Hamas cho thấy kế hoạch tấn công vào Israel (Ảnh: NBC, Washington Post).

Israel có quyền tự vệ?

Trước vụ tấn công của Hamas, Giáo sư Provost khẳng định Israel có quyền tự vệ do nước này là nạn nhân của một vụ tấn công vũ trang. Đương nhiên, phản ứng của Israel phải tuân thủ quy tắc tương xứng với vụ tấn công đầu tiên.

"Sự tương xứng không đơn thuần là về số lượng người chết", ông Provost nói và giải thích rằng vụ tấn công của Hamas có quy mô lớn nên Israel cũng có thể phản ứng ở quy mô lớn.

Nhưng "đến một điểm nào đó, phản ứng của Israel sẽ không còn tương xứng", ông Provost chỉ ra.

Ví dụ về cách phản ứng bất tương xứng là cuộc giao tranh giữa Israel và lực lượng Hezbollah tại miền nam Li Băng vào năm 2006, theo ông Provost.

Cụ thể, để trả đũa sau khi Hezbollah giết 3 binh sĩ Israel và bắt cóc 2 người, Israel đã phản ứng bằng cách đưa quân vào nam Li Băng, phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng tại đây như cầu đường, cơ sở lọc nước, sân bay và khu dân cư…, bên cạnh tiêu diệt hàng trăm chiến binh đối phương.

Lệnh bao vây toàn diện Gaza

Theo ông Goldman, không giống trong quá khứ, chiến tranh bao vây toàn diện hiện là đi ngược pháp luật quốc tế, bất kể đó là xung đột vũ trang quốc tế hay phi quốc tế.

"Về nguyên tắc, việc một bên vi phạm pháp luật không thể biện minh hoặc cho phép bên kia có hành động vi phạm những điều cấm được đề ra trong luật nhân đạo quốc tế", ông Goldman nói.

Luật chiến tranh nói gì về chiến sự Hamas - Israel? - 5

Đường di chuyển của lực lượng Israel tại Bắc Gaza (Đồ họa: New York Times).

Trong khuôn khổ lệnh bao vây toàn diện, Israel đã cắt điện, nước và nhiên liệu vào Dải Gaza.

Theo ông Provost, luật quốc tế cấm việc bỏ đói dân thường và một trong các cách bỏ đói chính là cắt nước, nên việc cắt nước vào Gaza sẽ là vi phạm luật quốc tế.

Tới nay, Israel đã mở lại 1 trong 3 đường ống dẫn nước, nhưng CNN dẫn lời các chuyên gia cho biết điều này chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của cư dân Dải Gaza. Hầu hết nước tại đây được lấy từ dưới đất nhưng nhiên liệu cho các trạm bơm và trạm khử muối đang cạn kiệt, và một số người dân đã phải uống nước không vệ sinh, thậm chí nước biển.

Việc cắt điện và nhiên liệu có hợp pháp hay không còn là vấn đề cần được tranh luận, theo ông Provost, vì chúng có cả mục đích sử dụng dân sự và quân sự (lưỡng dụng).

"Israel phải cân nhắc tác động tới dân thường và phải khôi phục điện và nhiên liệu nếu người dân chịu tác động lớn đến mức không tương xứng (so với tác động quân sự)", ông Provost nói.

Giả sử nếu việc cắt điện gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng (như bệnh viện không có điện để chữa trị cho bệnh nhân), điều này nhiều khả năng là vi phạm luật pháp quốc tế. "Nguyên nhân là hành động này có thể được lường trước là sẽ đem lại hậu quả", ông Provost lập luận.

Trong khi đó, ông Goldman cho rằng việc cắt điện, nước và thuốc men bản thân chúng không trái luật pháp quốc tế, nhưng tất cả biện pháp này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại Gaza.

Do đó, Israel có nghĩa vụ tạo điều kiện cho các hoạt động cứu trợ nhằm cứu vãn tình hình, theo Giáo sư Goldman.

Về việc cắt sóng điện thoại và internet, ông Provost nhận định: "Hệ thống liên lạc rõ ràng là cơ sở hạ tầng tối quan trọng cho mục đích quân sự" và "việc Hamas có thể sử dụng hạ tầng liên lạc cho mục đích quân sự hay không sẽ tạo ra sự khác biệt lớn".

Đương nhiên là người dân thường cũng cần hệ thống liên lạc để biết thông tin như lệnh sơ tán, địa điểm phát nhu yếu phẩm và nơi chăm sóc y tế… Nhưng nếu so sánh lợi ích quân sự đạt được khi cắt liên lạc quân sự của Hamas và tác động lên dân thường, việc cắt sóng điện thoại và internet chưa chắc vi phạm luật quốc tế, theo ông Provost.

Luật chiến tranh nói gì về chiến sự Hamas - Israel? - 6

Người Palestine xếp hàng lấy nước tại trại do Liên Hợp Quốc điều hành ở Khan Younis, phía nam Dải Gaza, ngày 26/10 (Ảnh: Reuters).

Trách nhiệm của Hamas và Israel đối với dân thường

"Yêu cầu hàng đầu trong mọi cuộc xung đột là người tham chiến phải luôn phân biệt giữa dân thường và người tham chiến, và các cuộc tấn công chỉ được nhắm vào người tham chiến và các mục tiêu quân sự khác", Giáo sư Goldman nói.

Việc đặt dân thường xung quanh các mục tiêu quân sự hoặc đặt trang thiết bị quân sự tại môi trường dân sự (còn gọi là "lá chắn sống") là vi phạm luật pháp quốc tế.

Israel thường xuyên cáo buộc Hamas cất giữ khí tài và trang thiết bị trong tòa nhà dân sự. Chẳng hạn, năm 2014, Liên Hợp Quốc lên án việc giấu rocket tại trường học do tổ chức quốc tế này vận hành tại Dải Gaza.

Hamas kiên quyết bác bỏ các cáo buộc của Israel.

Dù vậy, phong trào này thường dặn người dân Palestine tại Gaza bỏ ngoài tai lời kêu gọi sơ tán của Israel. Cơ quan nội vụ do Hamas điều hành từng gửi tin nhắn nói rằng "người dân phải hành động trách nhiệm, không nghe theo chỉ dẫn lừa dối của Israel", theo Guardian.

Dù bên phòng thủ phải chịu trách nhiệm về cái chết của thường dân bị dùng làm lá chắn sống không tự nguyện, bên tấn công cũng không nhất thiết được miễn hoặc giảm trách nhiệm khi xảy ra thương vong cho dân thường.

Dân thường vẫn được bảo vệ theo quy tắc tương xứng của luật nhân đạo quốc tế. Trong trường hợp Dải Gaza, quy tắc này có nghĩa là trước khi tấn công, Israel - bên tấn công - phải xác định tác động có thể xảy ra đối với dân thường. Nếu đòn tấn công dự kiến gây thương vong quá lớn cho dân thường so với lợi thế quân sự, họ phải hoãn hoặc hủy bỏ.

Giả sử bên tấn công phát hiện một chiến binh đối phương đứng giữa nhiều dân thường, "chắc chắn là sẽ không tương xứng nếu dùng tên lửa tiêu diệt chiến binh này và cùng lúc khiến 30 người dân thiệt mạng", ông Provost nói. Nhưng nếu lợi thế quân sự lớn hơn, điều này sẽ làm suy yếu lập luận cho rằng đòn tấn công ấy không tương xứng.

  • https://dantri.com.vn/the-gioi..." data-oaid="408045471040429277" data-layout="3" data-color="blue" data-customize="true" style="box-sizing: border-box; flex: 2 1 0%; margin: 8px 0px 0px; color: rgb(51, 51, 51); font-family: "Noto Serif", -apple-system, BlinkMacSystemFont, "Segoe UI", "Helvetica Neue", Arial, "Apple Color Emoji", "Segoe UI Emoji", "Segoe UI Symbol", serif; font-size: 18px; font-style: normal; font-variant-ligatures: normal; font-variant-caps: normal; font-weight: 400; letter-spacing: normal; orphans: 2; text-indent: 0px; text-transform: none; widows: 2; word-spacing: 0px; -webkit-text-stroke-width: 0px; white-space: normal; text-decoration-thickness: initial; text-decoration-style: initial; text-decoration-color: initial;">
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Luật chiến tranh nói gì về chiến sự Hamas - Israel?
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO