Luật Cảnh sát biển Việt Nam tạo hành lang pháp lý bảo vệ chủ quyền biển đảo

Chi Dân| 28/09/2021 22:00

Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời và có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển đảo của Việt Nam.

Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời có ý nghĩa quan trọng đối với Lực lượng Cảnh sát biển trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, duy trì thực thi pháp luật cũng như bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển.

Luật xác định: “Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền” (quy định tại Điều 3/Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018).

Luật Cảnh sát biển Việt Nam tạo hành lang pháp lý bảo vệ chủ quyền biển đảo
Luật Cảnh sát biển Việt Nam tạo hành lang pháp lý bảo vệ chủ quyền biển đảo

Nói về tầm quan trọng và ý nghĩa của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Thiếu tướng Trần Văn Nam - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết: Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời mang ý nghĩa rất quan trọng đối với Lực lượng Cảnh sát biển trong quá trình tổ chức thực hiện chức năng nhiệm vụ, duy trì thực thi pháp luật ở trên biển, cũng như gắn với bảo vệ chủ quyền, quyền tài phán quốc gia. Luật là hành lang pháp lý cao nhất để Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao

"Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong công tác bảo vệ quyền chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia bằng biện pháp pháp luật, dân sự, hòa bình. Qua đó nhằm xây dựng vùng biển Việt Nam, vùng biển quốc tế hòa bình, hợp tác và phát triển" - Thiếu tướng Trần Văn Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, từ khi Luật Cảnh sát biển ra đời, Lực lượng Cảnh sát biển đã triển khai tổ chức tốt các nội dung theo quy định của Luật. Trong đó, đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong Nhân dân, ngư dân về bộ Luật này, để tất cả các tầng lớp nhân dân hiểu rõ, nắm chắc và chấp hành nghiêm các quy định của Luật, từ đó phối hợp tốt với Cảnh sát biển để phòng chống tội phạm, vi phạm; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam bằng các biện pháp pháp luật, hòa bình.

Bên cạnh đó, với các quy định chặt chẽ về tổ chức, biên chế, bảo đảm hoạt động, chế độ chính sách… Luật Cảnh sát biển Việt Nam cũng tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Cảnh sát biển Việt Nam được ưu tiên về nguồn lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, tàu thuyền phương tiện, thiết bị kỹ thuật để xây dựng tiến thẳng lên hiện đại trong thời gian tới.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Luật Cảnh sát biển Việt Nam tạo hành lang pháp lý bảo vệ chủ quyền biển đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO