Lòng tốt đặt nhầm “địa chỉ”
Điển hình như vụ việc mà bà Vũ Thị L. trú tại TK18, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La). Theo thông tin ban đầu bà L. nhận được cuộc điện thoại của một người tên “Hằng” (tên giả mạo của đối tượng Hoàng Thị Dung) hỏi mua ngô.
Sau khi thuê người bốc 15 tấn ngô, trị giá hơn 105 triệu đồng, “Hằng” gọi điện cho bà L. thông báo đã chuyển tiền mua ngô vào tài khoản ngân hàng và bảo bà kết bạn qua Zalo để gửi hình ảnh nội dung giao dịch chuyển khoản. Do không quá sành sỏi về công nghệ nên bà L. tin đó là sự thật nên đồng ý cho chở ngô đi.
Một thời gian khá dài sau bà L. không nhận được tiền, đến khi gọi lại cho “Hằng” thì chỉ nhận được hai từ “thuê bao”, nhận thấy lòng tốt đã đặt nhầm người nên bà L. đã đến cơ quan Công an tố giác.
Nhận được tin báo trên, Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Mai Sơn đã nhanh chóng điều tra, phát hiện bắt giữ, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với đối tượng Hoàng Thị Dung (SN 1991, trú tại số nhà 24, ngõ 156, đường Lê Công Thanh, phường Trần Hưng Đạo, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) đối tượng đã gọi điện lừa đảo bà L. về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tương tự trường hợp bà L. là chị Hà Trân (ở TP Hồ Chí Minh) cũng là một trong những nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội. Cụ thể vào thời điểm cận Tết chị đặt mua của Nguyễn Trần Diệp Anh (SN 2003, trú tại TP Sơn La, tỉnh Sơn La) 1 túi Chanel, 1 túi cầm tay của Loui Vuitton, 1 túi Dior. Ban đầu chị chỉ phải chuyển cọc trước 30% vì là khách mua lần đầu.
Sau khoảng hơn 1 tháng thì Diệp Anh yêu cầu chị Trân chuyển 100% số tiền để nhận hàng chiều hôm đó. Một phần vì cần đồ để diện, một phần cảm thấy tin tưởng khi cô gái luôn khoe bán được hàng tỷ đồng nên chị Trân không mảy may nghi ngờ. Chị chuyển qua tài khoản của Diệp Anh tổng số 161 triệu đồng. Tuy nhiêu sau hàng vạn lời hứa hàng sẽ về đến tay thì chị cũng bị đối tượng chặn tài khoản để không liên lạc được.
Đến tháng 5/2021, đối tượng Nguyễn Trần Diệp Anh và đồng phạm đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La khởi tố vụ án, bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Cưỡng đoạt tài sản”.
Nhận diện để phòng tránh
Lừa đảo trên mạng xã hội là những hành vi mới xuất hiện trong thời điểm gần đây, có tính chất đặc thù, riêng biệt, khả năng hoạt động phạm tội rộng khắp, các đối tượng phạm tội sử dụng các nền tảng mạng xã hội một cách thuần thục, tinh vi mà người dùng khó có thể nhận diện ra hành vi lừa đảo. Ngoài ra nhận thức của người dân hiện nay, đặc biệt là người dân ở những địa bàn vùng cao như tỉnh Sơn La về hình thức lừa đảo này còn hạn chế do vậy rất khó khăn trong quá trình cơ quan Công an tiếp cận, giải quyết.
Trong năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La đã phát hiện, điều tra làm rõ 32 vụ, 40 đối tượng, với tổng tài sản bị chiếm đoạt hơn 19,4 tỷ đồng; trong đó, khởi tố 28 vụ, 38 bị can, xử lý hành chính 2 vụ, 2 đối tượng. Đây chỉ là con số được cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ, điều tra qua tin báo, tố giác của người dân, song thực tế còn không ít trường hợp người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản lại không trình báo với cơ quan chức năng.
Theo Trung tá Nguyễn Xuân Thủy, Đội trưởng Đội Cảnh sát ĐTTP về hình sự Công an huyện Mai Sơn (Sơn La), nhóm đối tượng dễ trở thành những “con mồi” của việc lừa đảo trên mạng sẽ gồm: Những người ít hiểu biết về công nghệ thông tin, thường sẽ dễ để lộ thông tin về cá nhân, gia đình trong quá trình sử dụng mạng xã hội; Những người dễ tin và các thông tin giả mạo mà các đối tượng đưa ra; Những người có hiểu biết và giữ chức vụ, làm việc ở những vị trí nhạy cảm về tài chính, khi các đối tượng muốn lừa đảo thường tìm hiểu rất kỹ càng về nhân thân, lai lịch và những điểm yếu để dọa nạt, chúng tạo thành một Ekip tạo ra một kịch bản rằng họ đang vi phạm pháp luật, nếu như không cung cấp thông tin thì sẽ tố giác đến cơ quan mà họ đang làm việc.
Cũng theo Trung tá Thủy việc tiếp cận thông tin của lực lượng Công an đối với các cơ quan khác như: Ngân hàng, công ty viễn thông,… còn nhiều hạn chế, thông tin cung cấp còn chậm, ảnh hưởng tới thời gian xác minh, củng cố tài liệu để phục vụ quá trình điều tra, phá án. Đến khi có thông tin về đối tượng thì do việc thông tin chậm nên đối tượng có thể đã tẩu tán các tài liệu, chứng cứ phạm tội.
Do tình hình dịch bệnh kéo dài cũng phần nào ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều tra, xác minh các vụ việc và các đối tượng do các đối tượng có thể ở bất kỳ nơi nào, không cố định một địa điểm. Việc mua bán sim trên mạng xã hội còn dễ dàng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội…
Để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác và trở thành những người dùng thông thái, hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân khi truy cập Internet, xác minh thông tin cụ thể trước khi thực hiện các giao dịch qua Internet và mạng xã hội; khi biết mình đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo trên mạng thì cần thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp ngăn chặn, xử lý khi có vụ việc xảy ra.
Trước tình trạng tội phạm lừa đảo qua Internet và mạng xã hội đang diễn biến phức tạp như hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La, Giám đốc Công an tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các đơn vị Công an trên toàn tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng để người dân vùng cao Sơn La nâng cao ý thức cảnh giác, tránh chui vào bẫy lừa đảo của các đối tượng. Đồng thời, các đơn vị nghiệp vụ cần làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời giải quyết các tin báo, tố giác tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao xảy ra.