Báo chí đưa tin trong lúc đang tiếp khách hàng vào ngày 6/3, chị Vũ Thị Hương Lan, Phó tổng giám đốc một công ty ở Hà Nội, bất ngờ nhận được cuộc gọi từ người xưng là "thầy" tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Người này hốt hoảng thông báo con gái chị bị ngã, chấn thương sọ não.
Sau khi đưa máy cho chị gặp "bác sĩ" để nghe giải thích tình trạng rất nguy kịch, người này nói chị đồng ý "ủy quyền" để "thầy" ký giấy mổ, giục chị chuyển gấp 50 triệu đồng vào tài khoản, bác sĩ mới cho vào phòng mổ.
Khi chị Lan đang chuẩn bị bấm chuyển tiền, rất may, con gái chị qua điện thoại đã báo tin mẹ đang bị lừa, gia đình bạn cháu cũng vừa bị lừa 50 triệu đồng.
Những ngày qua, nhiều người bị lừa hàng trăm triệu đồng theo cách này. Nguyên nhân là người dân không hiểu về luật và đạo đức y tế nên dễ bị kẻ bất lương lợi dụng.
Giấy cam kết đồng ý mổ - "bản hợp đồng sinh tử"
Câu trả lời vắn tắt là luật pháp mọi quốc gia trên thế giới đều mặc định bác sĩ không có quyền kiểm soát cơ thể bệnh nhân. Do đó, việc này phải có người đồng ý cho phép trước khi phẫu thuật hay thủ thuật được bắt đầu, bất kể việc điều trị kết thúc bằng cứu sống hay bệnh nhân tử vong.
Nghĩa là phải có giấy cam kết đồng ý mổ.
Không chỉ giới hạn ở giấy cam kết đồng ý mổ, các thủ thuật xâm lấn như gây mê, mở khí quản, chọc hút dẫn lưu, sinh thiết, xạ trị, hoá trị, truyền máu... thậm chí tiêm vaccine cũng phải ký giấy cam kết. Giấy cam kết giống như bản hợp đồng sinh tử!
Xét về bản chất, việc ký vào giấy cam kết xuất phát từ mục đích rất nhân văn, đó là quyền được biết của bệnh nhân. Tất cả hoạt động xâm lấn, người bệnh có quyền được nghe bác sĩ giải thích đầy đủ, từ chẩn đoán cho đến tại sao phải can thiệp, lợi ích của việc can thiệp, nếu không can thiệp có thể xảy ra những điều gì và tai biến (nếu có) khi can thiệp...
Một người bị tai nạn giao thông được đưa đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đêm muộn. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Cuối cùng là chi phí cho việc điều trị. Bệnh nhân sau khi nghe giải thích, sẽ cân nhắc đồng ý hay không đồng ý cho bác sĩ làm phẫu thuật thủ thuật. Đây chính là quyền thân thể, quyền ấy được thể hiện bằng chữ ký vào giấy cam kết.
Quyền này được thể hiện trong Điều 10, 11 và 12 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Ký giấy cam kết đồng ý hay không đồng ý, bản chất vấn đề là thể hiện thái độ của bệnh nhân, không phải là lời từ chối trách nhiệm của bác sĩ, cũng không phải là lời tuyên bố sinh tử.
Nhưng không ít người bệnh vẫn hiểu sai, rằng tờ giấy cam kết là cách để bác sĩ trốn tránh trách nhiệm của mình. Thực tế không phải vậy.
Bác sĩ không thực hiện đúng quy trình, làm sai kỹ thuật và phác đồ vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Ngược lại, trong quá trình phẫu thuật, nếu xảy ra tai biến, trường hợp quy trình chẩn đoán, thao tác có sai sót trong phạm vi cho phép hoặc bất khả kháng, dù có chuyện gì xảy ra, thậm chí bệnh nhân mất trên bàn mổ, bác sĩ cũng không phải gánh vác trách nhiệm.
Nguyên nhân hiểu sai có lẽ do cách thức truyền đạt trong tờ giấy cam kết.
Ví dụ, trong cam kết truyền máu, giả sử máu có virus HIV nhưng đang trong giai đoạn cửa sổ, kỹ thuật y tế không thể phát hiện được virus trong vài tháng đầu tiên. Bệnh nhân được truyền nguồn máu này có khả năng bị HIV. Đây là hạn chế của khoa học chứ không phải sai lầm của bác sĩ.
Bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, làm thủ thuật cho bệnh nhân ngay tại phòng Cấp cứu. Ảnh: Duy Hiệu. |
Nhưng khi giải thích, bác sĩ có thể làm bệnh nhân hiểu nhầm rằng máu được lấy từ ngân hàng, nếu có vấn đề gì về bệnh truyền nhiễm như HIV, không liên quan bác sĩ chỉ định truyền. Điều này có vẻ giống như bác sĩ đang tuyên bố từ chối trách nhiệm, nó tạo ấn tượng rằng có vấn đề gì xảy ra, bệnh viện không liên quan.
Kẻ gian đã lợi dụng tâm lý và sự hiểu sai này.
Không khó để nhận thấy người đàn ông tự xưng "thầy" ĐH Kinh tế Quốc dân kia sẽ không có quyền được biết và quyền thân thể người bệnh.
Chẳng bác sĩ nào ngớ ngẩn đến mức đi giải thích tình trạng bệnh tật cho ông "thầy" ấy nghe, càng không ai cho ông "thầy" ấy ký vào tờ giấy cam kết, bởi làm như vậy thậm chí còn vi phạm luật.
Ai có thể ký thay bệnh nhân?
Bình thường, người bệnh sẽ tự quyết định mình đồng ý hay không đồng ý một phương án can thiệp, rồi ký vào bản cam kết. Nếu bệnh tật được chữa khỏi, đó là điều may mắn, ngược lại, chính bản thân tự chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Nhưng cuộc sống không đơn giản như vậy!
Điều 13, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và Điều 52 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định rõ ràng.
Trích luật có thể khó hiểu là người bệnh không đủ năng lực hành vi dân sự bao gồm trẻ em, tâm thần, mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, người già cả lú lẫn, bệnh nhân hôn mê. Người được ủy quyền ký giấy cam kết thay cho bệnh nhân chỉ có 4 đối tượng sau: Vợ hoặc chồng; bố mẹ; con cái; anh chị em, họ hàng, người thân khác, bạn bè.
Đến đây ai cũng thấy rõ, chẳng bác sĩ nào để cho "ông thầy" tự xưng ở ĐH Kinh tế Quốc dân nào đó, hay người qua đường dù cứu giúp nạn nhân tận tình, lại đi ký vào giấy cam kết phẫu thuật.
Nhiều người lo lắng với những bệnh nhân quá nặng phải mổ cấp cứu, nhưng nạn nhân không tỉnh táo để ký giấy mổ, bác sĩ không liên lạc được với người nhà bệnh nhân, bệnh viện sẽ bỏ mặc. Lo lắng này hoàn toàn sai.
Tất cả bệnh nhân nặng vào viện đều được cứu chữa như nhau, do đó, không có tình huống gọi điện thoại đề nghị người thân chuyển tiền mới phẫu thuật. Ảnh minh họa: Phúc Thịnh. |
Bác sĩ và người bệnh cùng trên một chiến hào. Nhiệm vụ của bác sĩ là cứu sống bệnh nhân. Luật pháp của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, cấm bác sĩ bỏ mặc nạn nhân, nhưng quan trọng hơn cả là đạo đức y học dạy các bác sĩ rằng phải cứu chữa nạn nhân đến cùng.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, Điều 13 và Điều 61 quy định rõ trách nhiệm đặt tính mạng, sức khỏe người bệnh lên trên hết.
Đến đây, chị Lan hay bất cứ ai đều yên tâm, nếu người thân không may bị nạn phải vào viện trong tình trạng nguy kịch, dù không có người thân ký giấy cam kết, bác sĩ vẫn cấp cứu, vẫn chỉ định mổ theo đúng luật quy định.
Tất cả bệnh nhân nặng vào viện đều được cứu chữa như nhau. Bác sĩ làm hết khả năng có thể, huy động hết nguồn lực vật lực.
Thậm chí, vào một ngày, bệnh nhân ra viện nhưng không có tiền trả, có người có tiền nhưng cố tình trốn viện, để lại một đống nợ, từ tiền mổ, giường, thuốc thang, vật tư tiêu hao, chăm sóc y tế...
Theo thông lệ, số tiền ấy bệnh viện sẽ chịu mất một nửa, khoa phòng và bác sĩ trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân chịu mất một nửa, các khoản thưởng hay phúc lợi, tiền Tết đều bị trừ vào.
Cách giải quyết khả thi nhất là bác sĩ đi quyên góp từ nhân viên ở các khoa phòng khác, hay kêu gọi từ thiện.
Bác sĩ ai cũng biết “đối tượng 661”.
Thuật ngữ “đối tượng 661” là gọi tắt từ Chỉ thị 661-TTg. Theo đó, quy định mọi cơ sở y tế phải tổ chức cứu chữa bệnh nhân, sau khi qua khỏi cơn nguy hiểm, cơ sở y tế mới xem xét đến vấn đề thu viện phí.
Thực tế xã hội, ngay cả những ngân hàng hay tổ chức tín dụng chuyên nghiệp, cũng có những khoản nợ khó đòi, có nhiều trường hợp không thu được tiền. Bệnh viện đương nhiên không có kênh hợp pháp để đòi nợ, không có ngân sách đặc biệt hay bảo hiểm, việc trực tiếp chuyển chi phí cho bệnh viện, rồi đổ lên đầu y bác sĩ, đó là một vấn đề rất đáng phải suy nghĩ.
Nhưng bác sĩ vẫn không bỏ mặc bệnh nhân.
Cũng theo Chỉ thị 661-TTg, không có chuyện chị Lan phải có 50 triệu đồng đóng viện phí, người thân mới được mổ cấp cứu, nếu không thì nằm chờ chết.