Một lỗi thí nghiệm đã giúp một nhóm các nhà khoa học khám phá ra điều đáng kinh ngạc: Ong vò vẽ có thể sống sót dưới nước đến một tuần.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Biology Letters mới đây, các nhà khoa học từ Đại học Guelph của Canada đã vô tình “nhúng” những con ong vò vẽ phương Đông đang ngủ Đông vào trong nước, và họ đã rất sửng sốt khi biết rằng chúng vẫn sống sót.
Tác giả nghiên cứu Nigel Raine, Giáo sư Khoa Khoa học Môi trường của Trường Đại học, cho biết điều này “thực sự đáng ngạc nhiên.”
“Đây là những sinh vật ở trên cạn, chúng không được ‘thiết kế’ để sống dưới nước,” ông nói với CNN.
Sau đó, nhóm nghiên cứu đã thực hiện một thí nghiệm với 143 con ong vò vẽ chúa phương Đông thông thường. Họ phát hiện ra rằng những con được giữ dưới nước trong thời gian lên tới bảy ngày có tỷ lệ sống sót tương tự như những con không được “nhúng” nước.
Raine nói: “Chúng chịu rất ít tác động khi bị nhấn chìm.”
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm hiểu xem ong chúa chống chịu ra sao khi bị nhấn chìm trong nước trong thời gian dài. Phát hiện này đã làm sáng tỏ sự thích nghi của loài côn trùng này cũng như khả năng phục hồi của chúng trước lũ lụt.
Raine diễn giải: Trong mùa lạnh, ong chúa ngủ Đông một mình sau khi ong đực và ong thợ chết vào cuối mùa Thu. Chúng trú Đông trong các hang nhỏ, thường ở những khu đất thoát nước tốt ven bờ [sông/hồ].”
Các nhà khoa học tin rằng những khả năng này giúp bảo vệ những con ong trong điều kiện lũ lụt, vốn có thể khiến nhiều sinh vật trên cạn không thể sống sót.
Raine nói: “Chúng tôi không biết nhiều về giai đoạn quan trọng này trong lịch sử vòng đời của chúng. Chúng tôi đang bắt đầu tìm hiểu sơ bộ những gì đang diễn ra dưới lòng đất.”
Ông cho biết mặc dù nghiên cứu chưa tìm hiểu xem làm thế nào những con ong có thể sống sót, một lời giải thích có thể là chúng đang trong “chế độ tạm ngưng.” Đó là khi “trạng thái tăng trưởng và sinh sản ngưng lại, đặc trưng bởi lượng oxy hấp thụ giảm.”
Các nhà nghiên cứu cho biết trong thời kỳ “tạm dừng” này, các lỗ hô hấp, hay lỗ thở, có thể đóng lại trong thời gian dài và ngăn nước xâm nhập vào cơ thể. Đồng thời, ong chúa cũng có thể thở qua da khi chúng chìm trong nước.
Raine cho biết: “Những con ong này đang ở chế độ tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả. Rất có thể chúng sẽ không thể sống sót dưới nước nếu chúng ở trạng thái ‘hoạt động.’”
Raine cũng có kế hoạch tìm hiểu liệu ong chúa ngủ Đông có thể sống sót lâu hơn một tuần dưới nước hay không. “Có thể còn lâu hơn thế nữa,” ông nói. Ông cũng dự định nghiên cứu xem các loài ong khác có khả năng sống phục hồi tương tự khi bị nhấn chìm hay không.
“Hiểu được các loài thụ phấn hoang dã thực sự rất quan trọng,” ông cho biết, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của côn trùng đối với an ninh lương thực và hệ sinh thái trên cạn./.