Amber Heard và Johnny Depp kết hôn vào năm 2015. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân nhanh chóng đi vào ngõ cụt khi Amber Heard đệ đơn tố cáo chồng bạo hành. Năm 2017 họ chia tay.
Nhưng ngay cả khi cả hai hoàn tất thủ tục ly dị, mọi chuyện vẫn chưa chấm dứt, Johnny Depp bắt đầu phản công. Anh tố ngược lại Amber Heard vì tội vu khống, bôi nhọ hình ảnh. Vụ kiện giữa hai bên vẫn tiếp tục căng thẳng. Cuộc hôn nhân ngắn ngủi của Amber Heard và Johnny Depp vẫn tiếp tục ồn ào.
Câu chuyện thậm chí một lần nữa “dậy sóng” khi một đoạn ghi âm độc quyền được cho là cuộc trò chuyện của Amber Heard và Johnny Depp hồi năm 2015 (thời điểm cuộc hôn nhân của họ đang đứng bên bờ vực đổ vỡ) được công bố. Trong đoạn ghi âm, Amber Heard có thách thức: "Hãy nói với cả thế giới đi Johnny, nói với họ rằng anh, Johnny Depp, một người đàn ông, cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Để xem ai sẽ đứng về phía anh". Thậm chí, nữ diễn cũng thừa nhận chính cô đã đánh chồng.
Johnny Depp buộc tội Amber Heard là người tung cú đấm vào mặt anh. Đáp lại, mỹ nhân 34 tuổi phản ứng gay gắt: “Tôi xin lỗi vì đã không đánh thẳng vào mặt anh bằng một cái tát đúng cách nhưng rõ ràng là tôi chỉ đánh anh chứ không phải đấm. Này anh yêu, anh không hề bị tôi đấm”. Cô tiếp tục tranh cãi: “Tôi không rõ chuyển động của bàn tay mình lúc đó là như thế nào nhưng giờ anh vẫn ổn đó thôi. Tôi không làm đau anh. Tôi cũng không đấm anh mà là đánh anh”.
Anh còn khẳng định vợ cũ đã ném chai rượu khiến anh bị đứt ngón tay và dí đầu thuốc lá đang cháy vào mặt anh: “Cô ta đã đánh, đấm và đá tôi. Người phụ nữ này thường xuyên ném đồ vào người và đầu tôi, bao gồm những thứ như lon, chai, nến đang cháy, đồ điều khiển từ xa…”.
Sau lời thách thức của vợ cũ, phía đại diện luật sư đã hỏi lại về phản ứng của Johnny Depp về lời thách thức cũ, anh đã đau đớn thừa nhận: "Tôi là đàn ông, tôi bị bạo lực gia đình". Như vậy, việc vợ cũ Johnny Depp thừa nhận đã đánh chồng. Và đoạn hội thoại có lời thách thức của cô vợ cũ cũng là thật.
Hiện tại, chưa có kết luận cho những cáo buộc của Johnny Depp về việc bị vợ bạo hành, nhưng đây cũng như một hồi chuông cho người ta thấy đàn ông bị bạo hành gia đình là có thật, nhưng lại ít nhận được sự quan tâm công bằng.
Nhiều đàn ông khi nói rằng mình bị bạo lực chỉ nhận về tiếng cười nhạo
Elizabeth Bates - nhà nghiên cứu tại Đại học Cumbria (Anh) đã từng nói rằng có những người đàn ông là nạn nhân của bạo lực gia đình nhưng họ thường nói về điều đó trong các chương trình hài, với bối cảnh tạo nên tiếng cười. Nhiều người cười nhạo mà không cho rằng đây là một vấn đề hệ trọng.
Tại Đức có khoảng 26.000 người đàn ông/năm trong danh sách nạn nhân của bạo lực gia đình. Số liệu chính thức của Đức cũng cho thấy gần 20% nạn nhân của bạo lực gia đình là nam giới. Theo một nghiên cứu của Đức, cứ 6 người đàn ông thì có một người cho biết anh ta đã bị bạn tình bạo hành. 10% trong số đó cho biết bị tát, bị đá hoặc bị ném đồ vật vào người. Phổ biến nhất lại chính là vấn đề bạo lực tinh thần. Thống kê ở Mexico cho thấy khoảng 25% số nạn nhân của bạo lực gia đình là nam giới.
Một phát biểu khác cũng cho rằng: "Nam giới có thể ít bị bạo lực nghiêm trọng so với phụ nữ. Nhưng đó không phải là một vài trường hợp cá biệt".
Nghiên cứu của Bates cho thấy, do cách nhìn nhận của xã hội, nam giới khó coi mình là nạn nhân của bạo lực gia đình. Trong khi thực tế nạn nhân nam phải chịu hậu quả không hề nhỏ và các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần.
Một người đàn ông đã kể rằng anh ta bị bạo hành theo cách này: "Cô ấy đứng trước mặt tôi, sau đó cởi áo choàng tắm. Cô ấy bắt đầu tự đánh mình, cào cấu mình và hét lên: Đau quá, dừng lại! Tôi đứng trước mặt cô ấy kinh ngạc và tự hỏi bản thân: Chuyện gì xảy ra thế này? Sau đó, cô ấy kết thúc cuộc tự tấn công, mặc lại áo choàng tắm. Có một chiếc máy ghi âm nhỏ để bên cạnh". Người đàn ông này thú nhận rằng mình rất sợ bị mất thể diện trong xã hội, bị mất nghề nghiệp, bị coi là thủ phạm vì một điều anh ta không hề gây ra.
Nhà tội phạm học người Anh Antony Whitehead đã nói về ứng xử đàn ông cần làm để bảo vệ chính mình: "Trước tiên họ phải được giải phóng khỏi ngục tù của những hình ảnh truyền thống và không nên cho rằng mình đang đơn độc".
Vậy có nên im lặng và chịu đựng?
Ở Việt Nam người ta hay nhắc câu nói quen thuộc để dăn đàn ông phải tôn trọng phụ nữ "Không nên đánh phụ nữ dù chỉ là một nhành hoa". Bạo lực với bất kể ai trong tình huống nào chưa bao giờ là hành vi đúng. Thế nhưng ở đâu đó trong quan niệm của nhiều người thì việc một người phụ nữ thừa nhận đánh chồng là vấn đề không to tát, có thể bị mang ra cười nhạo, còn một người đàn ông nhận đánh vợ sẽ bị coi là... hèn.
Đàn ông được gán cho cái mác “phái mạnh” và cuối cùng họ cứ phải gồng lên trong mọi trường hợp để không bị cho rằng là bất tài vô dụng. Cái mác là trụ cột gia đình khiến họ không cho phép chính mình được yếu mềm như phụ nữ. Trong khi cảm xúc trong họ cũng chỉ là 1 con người bình thường.
Nếu một người đàn ông kiếm tiền chỉ ở mức nhàng nhàng sẽ bị đánh giá về năng lực nhưng phụ nữ thì lại được phép an phận thủ thường.
Có một số phụ nữ dù luôn đòi bình đẳng trong mọi chuyện, thậm chí là đòi được ưu tiên khi xếp hàng, ghế ngồi trên xe bus… nhưng họ chính là người mở miệng ra là nói: "Anh là đàn ông mà lại cư xử như vậy", rồi lại "Anh là đàn ông chấp gì đàn bà?", hoặc “Đàn ông gì mà căn ke như đàn bà”. “Loại đàn ông mặc váy”...
Rất nhiều, những ngôn từ khác mà dường như phụ nữ đã vô tình hoặc cố ý cướp đi quyền được yếu đuối, quyền được khóc, quyền sống đúng là phần con người có yếu đuối, có thể gục ngã đầy bản năng của đàn ông.
TS tâm lý học Khuất Thu Hồng đã từng nói: "Đã đến lúc chúng ta phải dành cho nam giới sự quan tâm mà lẽ ra họ được nhận từ lâu, cần có những sáng kiến để lôi cuốn nam giới cùng làm việc với phụ nữ và các giới khác, cùng thay đổi quan niệm xưa cũ để được bình đẳng, hạnh phúc hơn.
Từ câu chuyện của Jonnny Dept cho thấy cách để đòi bình đẳng giới cho nữ giới có lẽ không chỉ là hô vang khẩu hiệu không cần đàn ông thì phụ nữ vẫn sống tốt, mà còn là cho đàn ông quyền được yếu đuối, quyền được lên tiếng và đấu tranh khi bị bạo hành.
Theo Pháp luật và bạn đọc