Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng với lợi nhuận trước thuế đạt 3.007 tỷ đồng, tăng 47,80% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 54% kế hoạch cả năm.
Một trong những nguyên nhân chính giúp tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của TPBank cao là do ngân hàng thực hiện một loạt các giải pháp tiết giảm chi phí và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Điều này có thể nhìn thấy rõ ở chi phí hoạt động, chỉ tăng có 6,91% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn rất nhiều mức tăng của doanh thu. Chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) cũng đã giảm rất mạnh, từ 43% cuối tháng 6/2020 xuống chỉ còn 36% ở thời điểm kết thúc quý 2 năm nay.
Ngoài ra, tổng tài sản của TPBank đạt hơn 242.000 tỷ đồng, gần đạt mục tiêu 250.000 tỷ đồng cho cả năm; huy động vốn đạt hơn 217.000 tỷ đồng, tăng 17,46% so với cuối năm 2020 và tương đương 98,3% kế hoạch năm. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt 6.233 tỷ đồng, tăng 27,74% so với quý 2/2020. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của ngân hàng đạt 2,15%, trong khi đó tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 26%.
Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trong nửa đầu năm khoảng 11%, gần chạm mức trần được Ngân hàng Nhà nước cho phép. TPBank cũng đã trích lập đủ dự phòng rủi ro theo quy định đồng thời cũng đã trích đủ phần dự phòng bổ sung cho dư nợ được tái cơ cấu theo Thông tư 03 mới ban hành.
Một điểm sáng khác trong bức tranh toàn cảnh về TPBank 6 tháng đầu năm là sự đa dạng hóa nguồn thu của ngân hàng. Thu nhập thuần từ dịch vụ của TPBank, bao gồm hoạt động thanh toán, ngân quỹ, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn, trong 6 tháng đầu năm tăng tới 117% so với cùng kỳ năm trước.
Cuối tháng trước, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận cho TPBank tăng thêm 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Nguồn vốn bổ sung sẽ giúp ngân hàng tăng thêm hệ số an toàn vốn, cải thiện năng lực tài chính và mở rộng hoạt động kinh doanh./.