Lời khuyên dành cho những ai sắp 'nhảy' việc

T/H| 29/01/2024 12:00

Đứng trước quyết định “nhảy” việc, mọi người thường cảm thấy lo lắng và bất an, không biết quyết định này của bản thân có đúng đắn và đem lại những thứ mình mong đợi không. Có nhiều nguyên nhân khiến cho việc này xảy ra như công việc không phù hợp, môi trường làm việc không tốt, khối lượng công việc quá lớn, hoặc sếp khó tính... Dù là bất kỳ lý do nào, trước khi quyết định “nhảy” việc, bạn nên cân nhắc những điều sau đây:

Suy nghĩ và tìm hiểu kỹ trước khi “nhảy”

Trước khi quyết định thay đổi công việc và tìm việc làm ở Sài Gòn, Hà Nội… bạn cần tìm hiểu kỹ mọi thứ. Hãy tự đặt cho bản thân những câu hỏi như: Công việc mới có thu nhập cao hơn so với công việc hiện tại không? Thời gian làm việc có linh động không? Chế độ đãi ngộ nhân viên có hấp dẫn hơn không? Chỉ khi công việc mới đáp ứng những yêu cầu này, bạn mới nên quyết định chia tay công việc cũ. Nếu không, hãy tránh quyết định vội vã vì đó có thể là một lựa chọn sai lầm.

Tuy bạn có nhu cầu tìm công việc mới một cách gấp rút nhưng cũng đừng mù quáng và vội vàng khi tìm việc và nộp hồ sơ. Điều quan trọng là tìm một công việc phù hợp. Trước khi nộp đơn từ chức, bạn hãy tìm hiểu về ngành nghề và vị trí công việc mà bạn mong muốn, cũng như thông tin về khu vực và tiềm năng của công ty mà bạn đang quan tâm. Việc này sẽ giúp bạn xác định phạm vi tìm kiếm và tiết kiệm thời gian hơn.

Không bỏ ngang công việc hiện tại khi chưa có việc mới

Hãy đảm bảo rằng bạn đã có một công việc mới trước khi tìm lý do phù hợp để nghỉ việc ở công ty cũ. Thay vì ngang bướng và nghỉ ngay lập tức để tìm kiếm việc làm mới, bạn nên tiếp tục làm việc và kết hợp tìm công việc mà bạn mong muốn. Điều này sẽ an toàn hơn cho tài chính của bạn và gia đình (nếu như bạn đang có gia đình).

Trong quá trình tìm kiếm công việc mới, hãy so sánh lợi ích của cả hai công việc, từ mọi khía cạnh. Hãy cân nhắc kỹ lưỡng xem công việc mới có đáng để bạn từ bỏ công việc hiện tại để chuyển sang môi trường mới hay không. Hãy xem xét mọi yếu tố, bao gồm mức lương, sự phát triển công việc, môi trường làm việc và các lợi ích khác.

Để lại ấn tượng tốt với đồng nghiệp

Bạn hãy nhớ rằng, dù bạn chuẩn bị chuyển việc và tới một công ty mới, điều đó không có nghĩa là bạn có thể cư xử thô lỗ với sếp và đồng nghiệp ở công ty hiện tại. Đừng nghĩ rằng khi đã chuyển sang môi trường mới, bạn không muốn duy trì bất kỳ mối quan hệ nào với đồng nghiệp cũ. Trong những ngày cuối cùng ở công ty hiện tại, hãy tránh nói chuyện một cách gắt gỏng và không coi ai ra gì. Bạn không nên có thái độ kiêu căng và tự cao, nói những lời khó nghe hoặc từ chối giúp đỡ khi các đồng nghiệp cần. Hãy nhớ rằng, dù bạn sẽ chuyển việc nhưng trong cùng chuyên ngành, khả năng gặp lại và làm việc với đồng nghiệp cũ của bạn là rất cao.

Khi bạn rời khỏi công ty, đừng quên gửi lời cảm ơn đến mọi người. Hãy giữ thái độ chân thành và tự tin, thể hiện sự thân thiện và tôn trọng với đồng nghiệp.

Thỏa thuận rõ ràng với sếp mới

Trước khi bước vào làm việc tại công ty mới, bạn hãy thỏa thuận rõ ràng với sếp mới về những khoản thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chế độ đãi ngộ. Những điều này rất cần thiết và sẽ mang lại cảm giác yên tâm hơn khi bạn biết có một cơ chế, chính sách thỏa đáng được đề ra. Đây cũng sẽ là động lực để bạn hoàn thành công việc một cách xuất sắc.

Biết điểm dừng

Mục đích của bạn là có được một công việc tốt ở một công ty có môi trường phát triển tốt, mức lương ổn, giờ làm việc linh hoạt và phù hợp với năng lực của bạn. Khi bạn đã tìm thấy một công việc mới với những điều kiện tương tự như những gì bạn đã đề ra, hãy chuẩn bị tâm lý chấp nhận gắn bó với công việc đó lâu dài. Bạn phải biết rằng cơ hội không phải lúc nào cũng đến và không ai có thể biết chắc đâu là cơ hội tốt nhất. Vì vậy, hãy tận dụng mọi cơ hội và hạn chế suy nghĩ về việc “nhảy” việc.

Bạn hãy luôn nhớ rằng, “nhảy” việc là một quyết định quan trọng, hãy xem xét thật kỹ lưỡng và đảm bảo bạn đã chuẩn bị tốt trước khi thực hiện.

Hà Phương (tổng hợp)

Bài liên quan
  • Bí quyết tìm kiếm việc làm khi kinh tế khó khăn
    Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, các công ty thường giới hạn việc tuyển dụng nhân sự mới để chuyển trọng tâm sang tối ưu hóa nguồn nhân lực hiện có. Điều này khiến cuộc cạnh tranh trên thị trường lao động trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết, đặc biệt là với những bạn trẻ mới ra trường và những người chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lời khuyên dành cho những ai sắp 'nhảy' việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO