Hôm nay (21/11), TAND TP Hà Nội đưa cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và đồng phạm ra xét xử.
Tại toà, các luật sư đề nghị HĐXX triệu tập cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, và 4 thành viên của Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Y tế và Tài chính với tư cách người làm chứng. Đó là các bà Nguyền Thị Minh Châu (phó phòng, Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính); bà Quách Thị Thư (chuyên viên Cục Tài Chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính); bà Phạm Thị Minh Nga (chuyên viên Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế) và ông Vũ Đình Tiến, chuyên viên Cục Quản lý Dược.
Theo cáo trạng, ông Trương Quốc Cường (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Dược Bộ Y tế), là người nhận văn bản số 32/BTC-HCSN của Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Y tế kiểm tra Công ty CPDP Cửu Long, nhưng ông Cường đã giao cho ông Nguyễn Việt Hùng (nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) trực tiếp báo cáo bị can Cao Minh Quang. VKS cho rằng, không có cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Trương Quốc Cường.
Trong vụ án này, CQĐT cho rằng, bị cáo Lương Văn Hóa (cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CPDP Cửu Long), là người chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện hợp đồng sản xuất thuốc với Bộ Y tế.
Bị cáo biết rõ các quy định của pháp luật về việc quản lý giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng bằng nguồn ngân sách Nhà nước và điều khoản của hợp đồng sản xuất thuốc với Bộ Y tế.
Mặc dù Công ty CPDP Cửu Long được giảm giá mua nguyên liệu nhưng cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CPDP Cửu Long đã chỉ đạo đồng phạm hạch toán kế toán trái quy định, lập thư giãn nợ, hợp thức hồ sơ thanh toán báo cáo sai sự thật với Bộ Y tế để che giấu việc giảm giá mua nguyên liệu, nhằm giữ lại số tiền hơn 3,8 triệu USD (tương đương hơn 61 tỷ đồng) để sử dụng tại công ty, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Cáo trạng xác định, ông Lương Văn Hóa hưởng lợi hơn 587 triệu đồng tiền chia cổ tức và 430 triệu đồng tiền thù lao.
Hành vi nêu trên của ông Lương Văn Hoá đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trả lời thẩm vấn tại toà, bị cáo Lương Văn Hoá khai, thời điểm năm 2015, doanh nghiệp gặp khó khăn. Công ty CPDP Cửu Long là doanh nghiệp Nhà nước, ít vốn, phải đi vay ngân hàng nên đã giữ lại số tiền hơn 3,8 triệu USD, chiếm dụng vốn để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Việc hạch toán số tiền hơn 3,8 triệu USD sau đó đã không được báo cáo cho Bộ Y tế. Khi Đoàn thanh tra của Bộ Y tế và Thanh tra Chính phủ vào làm việc, Công ty CPDP Cửu Long đã đề nghị được tạm giữ lại hơn 3,8 triệu USD này lại để khi nào phía Công ty Mambo đòi thì trả lại cho họ.
Bị cáo Hoá cũng thừa nhận, phía Công ty Mambo đã có văn bản xác nhận việc Công ty CPDP Cửu Long không phải trả số tiền hơn 3,8 triệu USD cho Công ty Mambo nữa.
Trả lời câu hỏi thẩm vấn của vị chủ toạ phiên toà về việc bị cáo giữ lại hơn 3,8 triệu USD để làm gì?, cựu TGĐ Công ty CPDP Cửu Long khai, tiền này giữ lại để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, trả lãi ngân hàng đang bị tính lãi cao, giữ lại để bổ sung vốn cho công ty và không có mục đích gì khác.
“Bị cáo không có ý kiến gì về tội danh. VKS có đủ chứng cứ truy tố thì bị cáo chịu trách nhiệm. Bị cáo không che giấu những thứ mình sai. Bị cáo đứng đây, bị cáo biết mình có lỗi”, lời khai của ông Hoá.