Lợi ích không ngờ từ giấc ngủ ngắn

Linh An| 12/08/2021 06:30

Những giấc ngủ ngắn nếu được thực hiện đúng sẽ giúp bạn tăng sự tập trung và tỉnh táo.

Giấc ngủ ngắn rất đa dạng, còn được gọi là giấc ngủ phục hồi, giúp nạp năng lượng cần thiết mà không ảnh hưởng đến giấc ngủ vào ban đêm.

Bác sĩ Shanon Makekau, Trưởng Bộ môn Xung nhịp học và Giám đốc Y học giấc ngủ tại Kaiser Permanente (Honolulu) cho biết: "Một số người có những giấc ngủ ngắn vào ban ngày để bù đắp cho giấc ngủ ban đêm".

Giấc ngủ ngắn: Bao lâu là đủ?

Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng, thời lượng của giấc ngủ ngắn không nên quá 30 phút. Theo Tổ chức Nghiên cứu giấc ngủ, cơ thể sẽ bước vào giấc ngủ sâu sau khoảng thời gian đó và nếu thức dậy sau giấc ngủ sâu, có thể dẫn đến tình trạng uể oải.

Bác sĩ Safia Khan, chuyên gia về rối loạn giấc ngủ cho biết, trạng thái uể oải hoặc buồn ngủ này còn được gọi là "quán tính khi ngủ". Đó là khi cơ thể bạn cảm thấy cần ngủ nhiều hơn vì não của bạn đã bắt đầu đi vào trạng thái ngủ sâu hơn. Khi giấc ngủ ngắn dài quá 30 phút, bạn sẽ thường khó thức dậy hơn.

Tuân thủ khung thời gian ngủ ngắn hơn sẽ giúp cơ thể không phải đối phó với giấc ngủ theo quán tính, điều này sẽ giúp bạn thức dậy với cảm giác hồi phục năng lượng hơn là buồn ngủ.

Giấc ngủ ngắn hiệu quả cho một ngày dài - Ảnh 1.

Chợp mắt chưa đến 30 phút vào buổi trưa mang lại những lợi ích lớn cho sức khỏe. Ảnh minh họa.

Lợi ích của giấc ngủ ngắn

Lợi ích chính của một giấc ngủ ngắn là giúp bạn cảm thấy sảng khoái, để bạn tỉnh táo hơn trong suốt thời gian còn lại trong ngày.

Bác sĩ Khan nhấn mạnh: "Khi bạn chợp mắt, nó sẽ cung cấp năng lượng cho bạn, giúp bạn tỉnh táo hơn trong 4 đến 6 giờ tiếp theo và cảm thấy mình có thể hoàn thành nhiều công việc hơn".

Giấc ngủ ngắn vào buổi trưa có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn, giảm mệt mỏi, tăng cường tỉnh táo và cải thiện tâm trạng cũng như hiệu suất của bạn. Giấc ngủ này cũng đặc biệt có lợi cho những người làm công việc cần tập trung cao độ như lái xe, người làm việc theo ca kíp,...

Bên cạnh đó, giấc ngủ trưa cũng có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho hệ tim mạch và giảm căng thẳng.

Chỉ cần nhớ giới hạn của giấc ngủ ngắn là dưới 30 phút để đảm bảo nó không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm.

Theo bác sĩ Khan, nếu bạn ngủ đủ giấc vào ban đêm, thức dậy với cảm giác thư thái và tràn đầy năng lượng suốt cả ngày thì có thể không cần lo lắng về việc phục hồi năng lượng nhờ giấc ngủ trưa.

Tuy nhiên, nếu có xu hướng cảm thấy buồn ngủ vào buổi chiều hoặc bạn đã có một đêm ngủ không ngon giấc, thì một giấc ngủ ngắn thực sự có lợi.

Một số mẹo được Tổ chức Nghiên cứu Giấc ngủ chia sẻ để tận dụng tối đa giấc ngủ ngắn:

- Giấc ngủ ngắn không được quá gần với giấc ngủ ban đêm.

Một nguyên tắc nhỏ là thực hiện giấc ngủ ngắn vào thời điểm giữa của thời gian bạn thức dậy (buổi sáng) và thời gian bạn đi ngủ (buổi tối), thường là vào buổi trưa.

- Đặt báo thức từ 10 đến 20 phút để đảm bảo bạn thức dậy với cảm giác tỉnh táo thay vì loạng choạng.

- Tìm vị trí thích hợp để nghỉ ngơi.

Môi trường ngủ tốt nhất cho giấc ngủ ngắn cũng giống như giấc ngủ ban đêm. Nơi đó cần thoáng mát, tối, yên tĩnh và thoải mái.

Xem thêm video đang được quan tâm:


Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lợi ích không ngờ từ giấc ngủ ngắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO