Sáng 12/11, sau khi nữ Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan kết thúc phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng là thành viên Chính phủ thứ ba đăng đàn trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Hùng sẽ trả lời về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng và việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… cũng thuộc nhóm vấn đề sẽ được chất vấn.
Chia lửa với Bộ trưởng Hùng có Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Công an; Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm chất vấn thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết 80% thị phần quảng cáo trực tuyến tập trung vào các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook, TikTok (khoảng hơn 1 tỷ USD), 20% còn lại là các báo điện tử, doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến trong nước.
Thời gian tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, xu thế thị phần quảng cáo trực tuyến (quảng cáo trên mạng) sẽ tiếp tục tăng.
Bộ trưởng cho biết các vi phạm về nội dung quảng cáo chủ yếu như quảng cáo cho dịch vụ, sản phẩm bất hợp pháp (tín dụng đen, tiền ảo, game cờ bạc, cá độ…); quảng cáo các loại thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc, thậm chí quảng cáo chữa bách bệnh, kể cả ung thư...; quảng cáo sai sự thật lừa đảo (dùng hình ảnh mạo danh logo các báo, đài để tạo lòng tin)…
Đáng lưu ý, quảng cáo của một số nhãn hàng, doanh nghiệp Việt Nam bị gắn vào nội dung xấu độc, phản động, vi phạm pháp luật Việt Nam, đặc biệt là trên YouTube, Facebook.
"Một phần doanh thu quảng cáo lại được YouTube, Facebook chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động, vô hình chung gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam", Bộ trưởng Hùng nêu thực tế.
Nêu rõ tồn tại, ông cho biết các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới/đại lý quảng cáo vì mục đích lợi nhuận nên không kiểm soát nội dung, sản phẩm quảng cáo theo quy định pháp luật Việt Nam, không lựa chọn bộ lọc để loại trừ quảng cáo vào các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.
Trong khi, hiện chưa có chế tài để xử lý phạt hành chính với các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vì không có pháp nhân tại Việt Nam và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý còn mỏng so với yêu cầu. Hệ thống giám sát hoạt động quảng cáo trên mạng chưa được đầu tư tương xứng để có khả năng giám sát, tự phát hiện các vi phạm trong hoạt động quảng cáo của các nền tảng xuyên biên giới.
Thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo trên báo chí và trên môi trường mạng; tăng cường đấu tranh, đàm phán với các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook, TikTok và các mạng lưới quảng cáo về việc tuân thủ quy định pháp luật về cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng, dịch vụ quảng cáo, thuế.
Bộ trưởng Hùng cũng đề cập đến giải pháp tiếp tục điều hướng dòng tiền quảng cáo vào báo chí và tài khoản, kênh nội dung đã thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông.