Logistics là bài toán khó với doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam

HAI LAM (tổng hợp)| 26/11/2021 06:04

Giải quyết bài toán khó về khâu logistics khi tham gia thương mại điện tử chính là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam hiện nay.

j-t-3.jpg
Logistics là bài toán khó với doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam

Theo báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á - Tiếng gầm thập kỷ 20: Thập kỷ kỹ thuật số Đông Nam Á do Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố đầu tháng 11/2021, năm nay, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31% lên 21 tỷ đô la Mỹ nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử (TMĐT) so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong năm 2021, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 càng khiến TMĐT đã trở thành “sân chơi” giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) có thể duy trì hoạt động kinh doanh mà vẫn đảm bảo các yêu cầu trong phòng chống dịch.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của TMĐT mang đến nhiều cơ hội nếu DNVVN kịp thời thích nghi, nhưng song hành là nhiều khó khăn như bài toán khó ở khâu giao nhận hàng hoá. Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2021, khi được hỏi về lý do khiến người dùng gặp trở ngại khi mua hàng trực tuyến, 25% người tham gia lựa chọn lý do vận chuyển và giao nhận kém.

Về phía doanh nghiệp, chi phí đầu tư cho logistics đạt 0,82 điểm trên thang điểm từ 0-2 về những khó khăn, trở ngại khi vận hành website/ứng dụng TMĐT.

Đặc biệt với những DNVVN kinh doanh hàng hóa xuyên biên giới thì chi phí logistics lại chiếm một khoản ngân sách không hề nhỏ, từ đó dẫn đến đội giá thành và giảm lợi thế cạnh tranh. Nói cách khác, các giải pháp ở khâu logistics sẽ đóng vai trò quyết định giúp hỗ trợ hiệu quả cho DNVVN phát triển TMĐT.

Trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, ngành logistics nói chung đã thể hiện vai trò trọng yếu của mình trong nền kinh tế: hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, vận chuyển hàng hóa cho thị trường nội địa… Chẳng hạn như thương hiệu J&T Express đang sở hữu mạng lưới vận chuyển đến 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang đến sự hỗ trợ hiệu quả giúp DNVVN vươn mình ra thế giới theo con đường TMĐT.

Hơn nữa, J&T Express còn tăng cường hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu cho các DNVVN thông qua TMĐT bằng tuyến giao nhận quốc tế như một giải pháp hậu đại dịch.

“Được phát triển và hoạt động trên nền tảng công nghệ và hệ thống quản lý quốc tế, J&T Express không ngừng nâng cao quy trình, công nghệ, nguồn nhân lực có chuyên môn trong lĩnh vực giao nhận và chuyển phát nhanh để có thể hỗ trợ các đối tác doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động kinh doanh”, ông Phan Bình, giám đốc thương hiệu J&T Express Việt Nam, chia sẻ.

“Đối với thị trường Việt Nam, J&T Express đã phủ rộng khắp 63 tỉnh thành từ vùng nông thôn, miền núi tới các thành phố, việc mở rộng các tuyến quốc tế của J&T Express là một trong những giải pháp chiến lược, được đầu tư dài hạn để mở rộng mạng lưới hỗ trợ DNVVN tiếp cận được khách hàng trên khắp thế giới, mang đến nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp này, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế Việt Nam.”

Sự chuyển hướng kịp thời của Chính phủ từ chủ trương “Zero COVID-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trước làn sóng COVID-19 thứ 4 đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại, TMĐT tiếp tục phát triển và logistics là mảng không thể thiếu trong quá trình phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ này của doanh nghiệp.


Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Logistics là bài toán khó với doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO