Tại Trung Quốc, mùa hè và mùa thu là thời điểm “vàng” để săn lùng rau địa bì - thứ đặc sản độc nhất vô nhị chỉ xuất hiện sau những cơn mưa. Địa bì có vẻ ngoài nhầy nhụa nhìn giống như thạch và tảo biển, lớp vỏ nhăn nhúm giống như mộc nhĩ nên chúng còn có tên gọi khác là “mộc nhĩ đất”.
Thân cây ngắn, mọc bò sát mặt đất, tạo thành từng mảng lớn, nhìn từ xa giống như một đám tảo biển xanh. Ngoại hình đặc biệt giúp người đi “săn” rất dễ nhận biết địa bì trong môi trường tự nhiên.
Trong thời kỳ đói kém xưa kia, địa bì từng là nguồn thực phẩm quý giá giúp người dân qua cơn đói kém.
Thực tế, địa bì thuộc họ tảo, ban đầu có dạng hình cầu trong suốt như viên thạch. Sau khi trưởng thành, chúng có thể đạt kích thước khoảng 10cm. Khi còn tươi, chúng thường có màu nâu trà hoặc xanh ô liu, khi khô chuyển sang màu đen hoặc đen nâu.
Trước kia, một số người già ở Trung Quốc cho rằng địa bì là “nước mũi của dê”, do đó người dân thường không ăn địa bì, nếu bắt gặp cũng sẽ bỏ qua chúng.
Dù từng bị “hắt hủi” là vậy nhưng ít ai biết, địa bì lại ẩn chứa giá trị dinh dưỡng vô cùng phong phú. Y học Trung Quốc từ lâu đã ghi nhận địa bì như một vị thuốc quý khi chúng rất giàu vitamin. Hàm lượng vitamin C trong địa bì thậm chí cao gấp 19 lần so với rong biển. Hàm lượng protein của chúng cao hơn cả trứng, mộc nhĩ trắng hay mộc nhĩ đen.
Có lẽ chính hàm lượng dinh dưỡng vượt trội này khiến địa bì giờ đây trở thành mặt hàng “hot” được nhiều người săn đón. Đặc biệt, số lượng địa bì trong tự nhiên cực kỳ hiếm. Chúng thường chỉ xuất hiện sau những cơn mưa, nguồn cung thiếu hụt khiến giá cả ngày càng tăng cao, một kg có thể lên tới 200 NDT (655.000đ).
Theo Người Đưa Tin