Quy định mới với công trình không phép, sai phép
Sáng 8/4, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị về thực hiện Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Nghị định 16 được Chính phủ ban hành tháng 1 năm nay thay thế Nghị định số 139/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng - cho biết, Nghị định 16 gồm 86 Điều, chia thành 8 chương, bao gồm 70 nhóm hành vi vi phạm trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.
Nghị định đã tiến hành rà soát bãi bỏ 121 hành vi; bổ sung mới 138 hành vi; sửa đổi, bổ sung 185 hành vi.
Nêu một số điểm mới đáng chú ý tại Nghị định 16, ông Tuấn cho biết, theo quy định tại Nghị định 139, các công trình không phép, sai phép đang thi công cho dừng 60 ngày để làm thủ tục xin cấp và điều chỉnh giấy phép. Trường hợp vi phạm đã kết thúc thì tháo dỡ ngay.
Còn tại Nghị định 16, thời gian điều chỉnh được nâng lên 90 ngày đối với dự án đầu tư, 30 ngày đối với nhà ở riêng lẻ. Sửa đổi này, theo ông Tuấn, nhằm khắc phục bất cập trước phản ánh về vấn đề thời gian. Trước đó, nhiều địa phương phản ánh quy định thời hạn 60 ngày là không đủ để có thể chuẩn bị hồ sơ, hoàn thiện các thủ tục xin cấp và điều chỉnh giấy phép.
Song một điểm đáng lưu ý là Nghị định 16 quy định chỉ những trường hợp xây dựng công trình không phép, sai phép, không đúng thiết kế được thẩm định nhưng đủ điều kiện cấp phép xây dựng, giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc điều chỉnh thiết kế mới được phép hoàn thành thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng, giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh.
"Trường hợp không đủ điều kiện để xin cấp hoặc điều chỉnh giấy phép sẽ phá dỡ ngay", ông Tuấn cho biết.
Sau khi có giấy phép, giấy phép điều chỉnh mới, người có thẩm quyền phải kiểm tra hiện trạng công trình vi phạm so với giấy phép xây dựng được cấp và điều chỉnh, phần vi phạm không phù hợp sẽ phá dỡ ngay, ông Tuấn nói thêm.
Siết những nhốn nháo trong kinh doanh bất động sản
Một trong nhóm nội dung khác được quan tâm tại Nghị định 16 đó là việc xử lý vi phạm kinh doanh lĩnh vực bất động sản.
Cùng với Chỉ thị 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về tăng cường quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư, các quy định của Nghị định 16 được áp dụng và bước đầu đã có một số kết quả khi xử phạt ở mức cao, theo thông tin từ phía Thanh tra Bộ Xây dựng.
Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 3 Điều 58 Nghị định 16 quy định rõ: Phạt tiền đến 600 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định. Ngoài ra đối tượng vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản đến 6 tháng.
Điểm đ khoản 4 điều 58 quy định phạt tiền đến 1 tỷ đồng đối với hành vi "huy động vốn không đúng quy định" và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả "buộc trả phần vốn đã huy động không đúng quy định".
Nghị định 16 cũng quy định các chế tài xử lý "mạnh tay" hơn đối với một số hành vi như đầu cơ, gây nhiễu loạn thông tin, không rõ về đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà chung cư thuộc các dự án nhà ở xã hội và hoạt động kinh doanh bất động sản.
"Các đối tượng đã tự tháo dỡ các container, giải tán các điểm tư vấn xung quanh khu vực dự án. Một số vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan đã được chính quyền địa phương xử lý theo quy định", lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng thông tin.
Cũng theo cơ quan thanh tra, tại một số dự án bất động sản chưa đủ điều kiện mở bán theo quy định, chủ đầu tư đã chủ động thanh lý phiếu đặt chỗ và hoàn tất các nghĩa vụ tài chính đã ký với khách hàng.