Xem thêm: Hai giải pháp gỡ ùn tắc khủng khiếp ở nút giao Pháp Vân
Thời gian qua, TP Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm, góp phần kết nối hạ tầng phục vụ vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đặc biệt, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Hầm chui Đường vành đai 3 - Đại lộ Thăng Long
Đây là nút giao thông quan trọng giao cắt giữa đường Vành đai 3 với điểm đầu Đại lộ Thăng Long, đường Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).
Mỗi ống hầm có 3 làn xe cơ giới, chiều rộng 3,5m/làn với tổng kinh phí cho việc mở rộng, xây dựng hoàn chỉnh nút giao này là 1.087 tỷ đồng.
Chiều dài phần hầm kín, hầm hở và đường dẫn vào hầm khoảng 691,8m (trong đó hầm kín dài 120m, hầm hở dài 488m, đường dẫn vào hầm dài 83,8m). Hầm chui nút giao Trung Hòa là tiểu dự án thuộc dự án xây dựng đường Vành đai 3 Hà Nội - Giai đoạn 2 đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm.
Hầm chui Thanh Xuân
Hầm chui Thanh Xuân qua nút giao thông Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi có chiều dài 980m, được khởi công từ tháng 6/2014 từ kinh phí hơn 500 tỷ đồng vốn ODA Nhật Bản.
Hầm có tổng mức đầu tư 551 tỷ đồng, mỗi hầm có 2 làn xe cơ giới vận tốc thiết kế 60km/h. Chiều dài của phần hầm kín là 109m, hầm hở chữ U 280m và tường chắn chữ L 325m. Vốn là điểm giao cắt phức tạp giữa Quốc lộ 6, đường vành đai 3 giai đoạn 1, giai đoạn 2 và tuyến đường sắt trên cao, hầm chui Thanh Xuân giúp hóa giải tình trạng ùn tắc tại đây.
Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3
Dự án hầm chui Lê Văn Lương được xây dựng theo hướng đường Lê Văn Lương, đi ngầm qua nút giao Khuất Duy Tiến - Tố Hữu, có tổng chiều dài hầm và gờ chắn hai đầu là 475m.
Tổng giá trị phê duyệt dự án gần 780 tỷ đồng từ nguồn từ ngân sách TP Hà Nội. Công trình có mục tiêu hoàn thiện hạ tầng giao thông và xóa điểm đen ùn tắc giữa đường Lê Văn Lương - Tố Hữu và Vành đai 3.
Lễ cắt băng khánh thành hầm chui Lê Văn Lương vừa được diễn ra tại khu vực hầm hở bên phía đường Tố Hữu vào sáng ngày 5/10. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 68 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022).
Hầm chui Giải Phóng - Kim Đồng
Vào ngày 6/10 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khởi công xây dựng hầm chui nút giao Giải Phóng - Kim Đồng với đường Vành đai 2,5, tổng mức đầu tư xây dựng công trình gần 800 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành năm 2025.
Dự án nhằm mục đích giảm ùn tắc giao thông và từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do vậy, việc xây dựng dự án xây dựng là hết sức cần thiết và cấp bách.
Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên
Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên được triển khai nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc trong khu vực; từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của quận Cầu Giấy và TP Hà Nội.
Cây cầu này được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 8/2020, cầu gồm 5 nhịp, 4 làn xe cơ giới, tổng chiều dài 278m. Tổng mức đầu tư dự án hơn 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 305 tỷ đồng, xây dựng là 185 tỷ đồng, dự phòng 50 tỷ đồng...
Nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Dự án nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Đây là công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được khánh thành vào tháng 1/2021.
Dự án hoàn thiện nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, có điểm đầu kết nối với đường Cổ Linh và điểm cuối kết nối với đoạn tuyến cao tốc đã thi công giai đoạn 1 với chiều dài gần 1,5km; xây dựng trực thông nối đường Long Biên - Thạch Bàn với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chiều rộng mặt đường từ 33 - 51m. Dự án được kỳ vọng góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội.
Cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch (Cầu vượt chữ C)
Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch trên địa bàn quận Đống Đa được triển khai với mục tiêu nâng cao năng lực giao thông qua ngã tư Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch - Tôn Thất Tùng - Đông Tác.
Đây là tuyến đường còn tồn tại tình trạng ùn tắc giao thông, do đó dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về giao thông đô thị, hình thành hạ tầng giao thông khung của TP Hà Nội. Cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch được phê duyệt dự toán xây dựng 123,7 tỷ đồng bằng nguồn vốn từ ngân sách thành phố, dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
Đường Vành đai 2 trên cao
Sau hơn 4 năm thi công, vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Sở tới cầu Vĩnh Tuy sắp hoàn thiện. Dự án có chiều dài hơn 5km, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh gần 10.000 tỷ đồng, nối liền 3 quận trung tâm gồm Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng.
Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết các điểm nóng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, tăng khả năng lưu thông của các phương tiện.