Từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở TPHCM, hoạt động kinh doanh, buôn bán tại chợ Bình Tây (quận 6) gặp nhiều khó khăn. Lúc đỉnh dịch năm 2021 chợ phải đóng cửa nhiều tháng liền. Đây là khu chợ quy mô lớn, lâu đời và nổi tiếng bậc nhất khu vực phía Nam.
Những tháng đầu năm 2022, khi dịch bệnh tại thành phố có phần hạ nhiệt và được kiểm soát, chợ Bình Tây cùng loạt chợ truyền thống khác khẩn trương khôi phục hoạt động. Theo đó, tiểu thương chủ động nhập về lượng hàng hóa lớn, đa dạng để phục vụ nhu cầu người dân.
Tuy nhiên nhiều tháng qua, tình hình kinh doanh thường xuyên ế ẩm, nhiều tiểu thương vì không chi trả nổi tiền thuê mặt bằng, kinh doanh thua lỗ… nên chủ động bỏ sạp chuyển nghề. Khá đông người chọn cách ngừng buôn bán tạm thời, cho thuê sạp ngắn hạn trong thời gian chờ khách trở lại chợ.
Ghi nhận của phóng viên báo Dân trí, hàng chục ki-ốt ở tầng 2 chợ Bình Tây đóng cửa, treo bảng sang nhượng hoặc cho thuê, chiếm khoảng 20-30% tổng số ki-ốt của chợ.
Khu vực bày bán bánh kẹo ở tầng 2 có nhiều ki-ốt ngừng hoạt động. Đây là khu vực có nhiều tiểu thương trả mặt bằng nhất tại chợ Bình Tây.
Anh Lưu Vinh Vĩnh (một tiểu thương chợ Bình Tây) cho biết, gia đình anh bán tạp hóa, văn phòng phẩm 18 năm nay. Mặt bằng chỉ khoảng 2m2, giá thuê hơn 7 triệu/tháng.
"Thời điểm trước dịch Covid-19, việc làm ăn khá thuận lợi nên tôi thuê thêm một số ki-ốt để bán hàng. Mấy tháng nay, tôi phải lần lượt sang nhượng sạp để giảm áp lực tiền thuê gian hàng", anh Vĩnh nói.
Bà Lan có hơn 30 năm bán bánh kẹo ở chợ Bình Tây cho biết, trước dịch việc buôn bán của bà rất thuận lợi. Thời điểm đó, chỉ với ki-ốt 2m2 nhưng có đến 5-6 người phụ bán vì khách đông. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, việc kinh doanh của bà ế ẩm triền miên.
"Mỗi ngày tôi chỉ bán được cho vài khách lẻ, tiết kiệm chi tiêu lắm mới đóng đủ tiền thuê mặt bằng. Tôi mong tình hình sớm cải thiện để gia đình có thể tiếp tục duy trì công việc này", bà Lan chia sẻ.
Việc tiểu thương trả, sang nhượng mặt bằng diễn ra thường xuyên tại chợ Bến Thành (quận 1). Khu chợ này trước đây có đến 80% khách hàng là người nước ngoài. Khi dịch Covid-19 bùng phát ở phạm vi toàn cầu, hoạt động du lịch, lữ hành quốc tế ngưng trệ cũng là thời điểm chợ Bến Thành vắng vẻ nhất.
"Mỗi ngày tôi chỉ bán được vài trăm nghìn, trừ chi phí, lợi nhuận chẳng được bao nhiêu. Khách Tây giờ ít lắm, nếu có thì phần lớn họ chỉ đi tham quan. Mỗi tháng ki-ốt rộng khoảng 5m2 của tôi có giá thuê trên 30 triệu đồng, chi phí rất nặng", bà Linh, tiểu thương chợ Bến Thành, cho biết.
Cũng theo tiểu thương này, gần 40 năm kinh doanh nơi đây bà chưa từng thấy cảnh chợ vắng vẻ, ế ẩm như vậy. Nếu tình hình không cải thiện trong một vài tháng tới, bà Linh nói sẽ trả sạp, rồi chuyển sang chợ khác để buôn bán.
"Mặc dù du lịch mở của trở lại, khách nước ngoài đã bắt đầu xuất hiện ở chợ Bến Thành nhưng đa số chỉ đi tham quan", một tiểu thương chợ Bến Thành chia sẻ.
Bà Như với gian hàng kính mát đã duy trì hơn 40 năm tại chợ Bến Thành. Hiện nay, mỗi ngày bà chỉ bán được vài cặp kính.
Ông Lê Minh Hiệp - Phó trưởng Ban quản lý chợ Bến Thành cho biết, hiện chợ chỉ có khoảng 540/1.300 hộ kinh doanh hoạt động trở lại. Vì vậy cảnh hàng loạt ki-ốt đóng cửa cũng là điều có thể dự báo được.
Cũng theo ông Hiệp, việc tiểu thương tạm ngừng buôn bán ở sạp, sang nhượng, trả mặt bằng khá nhiều trong thời gian gần đây. Với góc độ đơn vị quản lý, ông mong muốn tình trạng này không còn tiếp diễn, chợ sớm đông đúc để tiểu thương buôn bán, đảm bảo thu nhập và cuộc sống.
Là chợ sỉ hàng hóa quy mô lớn nhất TPHCM, chợ An Đông (quận 5) từng là biểu tượng cho hoạt động thương mại đầu mối với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Việc mua bán trước kia khá nhộn nhịp. Hạ tầng chợ cũng được đầu tư, nâng cấp trong những năm qua để đảm bảo điều kiện mua bán của người dân.
Tương tự chợ Bình Tây và Bến Thành, chợ An Đông nổi lên tình trạng tiểu thương bỏ sạp, cho thuê mặt bằng và tạm ngừng hoạt động vì vắng khách. Vào chợ không khó để nhận thấy hàng loạt sạp, kho hàng bị bỏ trống, hoặc treo bảng sang nhượng lại.
Đại diện Phòng Kinh tế quận 5 cho biết chợ An Đông vắng chủ yếu do khách hàng mua qua kênh online và khách du lịch giảm. Cùng với đó, khách sỉ truyền thống từ các địa phương gặp khó trong kinh doanh vì dịch Covid-19 nên họ nhập hàng ít.
Một số đối tác, khách hàng lớn, quen thuộc của chợ An Đông cũng chuyển sang tìm nguồn hàng ngay địa phương nơi kinh doanh để tiết kiện chi phí vận chuyển.
Hoạt động mua bán tại chợ Soái Kình Lâm (quận 5) - chợ vải đầu mối lớn nhất TPHCM không còn nhộn nhịp như thời điểm trước dịch Covid-19. Hàng trăm gian hàng của tiểu thương lâm vào cảnh ế ẩm triền miên.
"Tôi không nghĩ dịch bệnh lại ảnh hưởng xấu đến việc kinh doanh như vậy. Trong khi vải, sợi là mặt hàng khá thiết yếu và giai đoạn nào, điều kiện nào người dân cũng có nhu cầu", ông Phước, tiểu thương chợ Soái Kình Lâm, chia sẻ.
Tuy nhiên trong mấy tháng qua, ông Phước chỉ bán cầm chừng, nhiều khách mối từ chối nhập hàng. Hiện mỗi ngày ông chỉ bán được vài trăm nghìn, có hôm được hơn một triệu đồng tiền vải. Ông cho biết mình đang đối diện với tình trạng thua lỗ, thậm chí có khả năng chuyển đổi nghề sau hàng chục năm gắn bó.
Khu chợ với hơn 600 sạp hàng kinh doanh vải may mặc nằm dọc theo đường Trần Hưng Đạo và một phần của đường Đỗ Ngọc Thạnh và Phùng Hưng. Dù vị trí kinh doanh thuận lợi, có mặt tiền rộng nhưng nơi này lại vắng khách mua. Nhiều tiểu thương cho biết họ thật sự sốc trước thực trạng này.